Startup giao thực phẩm của sếp cũ Baemin nhận vốn 3 triệu USD
Rino được CEO Nguyễn Trung Thành thành lập vào đầu năm nay. Ông Thành là cựu Giám đốc vận hành (COO) Baemin Việt Nam và Giám đốc mảng kinh doanh xe 2 bánh của Grab Việt Nam.
Ứng dụng thương mại điện tử giao hàng siêu tốc Rino vừa huy động thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư pre-seed từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm: Global Founders Capital (GFC), Sequoia Capital India, Venturra Discovery, và Saison Capital.
Nguồn vốn mới được Rino sử dụng để mở hàng trăm "dark store". Các "dark store" là trung tâm thực hiện đơn hàng, không phục vụ khách hàng mua trực tiếp.
Các kho này thường được đặt gần các khu dân cư đông đúc để nhân viên giao hàng thuận tiện hơn trong việc nhận đơn sau khi khách đặt và giao đến nhiều địa điểm trong một chuyến đi.
Khác với các nền tảng đặt và đi chợ trực tuyến hiện nay ở Việt Nam thường tốn từ 30 phút đến 48 giờ để hoàn thành các đơn đặt hàng thực phẩm tươi sống và tạp hóa, Rino tuyên bố sẽ thực hiện giao hàng hỏa tốc trong vòng 10 phút cho người tiêu dùng, bắt đầu từ một số khu vực tại TP. HCM.
Rino được CEO Nguyễn Trung Thành thành lập vào đầu năm nay. Ông Thành là cựu Giám đốc vận hành (COO) Baemin Việt Nam và Giám đốc mảng kinh doanh xe 2 bánh của Grab Việt Nam.
Rino tập trung vào mảng dịch vụ giao đồ chặng cuối với ngành hàng đồ tươi sống. Startup này đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ giao hàng đáng tin cậy và nhanh chóng "chỉ bằng một nút bấm".
Bên cạnh ông Thành, đội ngũ sáng lập startup này còn quy tụ các thành viên có kinh nghiệm làm việc trải dài từ lĩnh vực O2O tới các công ty thương mại điện tử như Grab, Baemin, và Lazada; các công ty hàng tiêu dùng nhanh như ABInbev và các công ty tư vấn như McKinsey & Company, Boston Consulting Group (BCG).
"Trải nghiệm ở các vị trí lãnh đạo tại Baemin và Grab giúp tôi nhận ra tiềm năng của mô hình quick-commerce tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, Rino chính là sự đúc kết từ các mảnh ghép còn thiếu trong chặng cuối của giao hàng tạp hóa", ông Nguyễn Trung Thành, nhà sáng lập kiêm CEO chia sẻ.
Theo Chris Sirise, Giám đốc Quỹ Saison Capital, mô hình thương mại điện tử siêu tốc (quick commerce) đã và đang được hưởng lợi từ xu hướng lâu dài khi người tiêu dùng từ mọi phân khúc thị trường tiếp tục dựa vào các mặt hàng qua kênh thương mại điện tử ngay cả sau khi các chỉ thị giãn cách được nới lỏng.
Báo cáo đánh giá của McKinsey chỉ ra, lĩnh vực bán lẻ với tiềm năng 108 tỷ USD của Việt Nam đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và sẵn sàng hiện đại hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, lĩnh vực giao hàng vận chuyển, hậu cần chưa đáp ứng kịp với tốc độ đổi mới. Do đó, mô hình thương mại điện tử siêu tốc là một lĩnh vực nhiều hứa hẹn.