Startup gốc Á phát triển dịch vụ giao đồ ăn địa phương lớn nhất nước Mỹ

Sự nổi tiếng của ứng dụng giao đồ ăn DoorDash đã đưa Andy Fang trở thành tỷ phú khi chưa tròn 30 tuổi…

Andy Fang (Nhà sáng lập DoorDash)

Andy Fang (Nhà sáng lập DoorDash)

DoorDash là một ứng dụng giao đồ ăn địa phương rất nổi tiếng ở Mỹ, được Andy Fang cùng hai người bạn là Tony Xu và Stanley Tang thành lập vào năm 2013. Sau 8 năm hoạt động, ứng dụng đã phục vụ hàng trăm nghìn người bán hàng và hàng chục triệu người tiêu dùng. Trong năm 2021 vừa qua, doanh thu của DoorDash đạt ngưỡng 3 tỷ USD.

NHỮNG BƯỚC CHÂN CHẠM TỚI ƯỚC MƠ

Andy Fang sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Đài Loan nhập cư tại Mỹ. Andy được tiếp xúc với máy tính từ rất sớm, vì mẹ anh không muốn con mỗi kỳ nghỉ hè đều ở yên trong nhà không làm gì cả, nên đã đăng ký cho cậu và anh trai tham gia lớp học lập trình mùa hè. Đó là lúc Andy được học cách viết câu lệnh IF, chương trình vòng lặp Java hay những thứ tương tự như vậy.

Sau này, Andy Fang gặp Stanley Tang (đồng sáng lập DoorDash, hiện là CPO - Giám đốc sản xuất của công ty) ở năm nhất tại Stanford. Họ đã thử lập trình rất nhiều thứ trong thời gian rảnh rỗi và thuyết phục bạn bè sử dụng thử. Lúc này, cả hai sinh viên trẻ này vẫn đang trong giai đoạn khám phá web và công nghệ di động, chưa có gì đột phá.

Khóa học Startup Garage về kỹ thuật và kinh doanh đã đưa Andy Fang và Stanley Tang gặp được Tony Xu (đồng sáng lập DoorDash, hiện là CEO công ty). Cơ duyên ấy đã giúp cho ba con người đồng điệu về tâm hồn, sở thích quyết định bắt tay hợp tác với nhau.

Họ từng trò chuyện với hàng trăm doanh nghiệp địa phương và nhận ra rằng việc giao thức ăn vẫn còn những khó khăn nhất định. Vào năm 2013 ấy, nếu bạn đang ở Palo Alto thì chỉ có Domino’s và các nhà hàng Trung Quốc địa phương là có thể nhận giao hàng.

Điều đó đã làm bộ ba này lóe lên ý tưởng thử nghiệm dịch vụ giao hàng tên là PaloAltoDelivery.com, nguyên mẫu của DoorDash.

Bước ngoặt cho sự ra đời của DoorDash là vào mùa hè năm 2013. Đó là lúc họ phải đưa ra lựa chọn có nên tiếp tục dốc sức cho lần khởi nghiệp này không, hay chỉ coi đó là một dự án thực hiện khi ngồi trên ghế nhà trường? Cuối cùng, ba người họ đưa ra quyết định đổi tên công ty thành DoorDash và làm hết tất cả những gì có thể.

“Chúng tôi rất ăn ý với nhau. Tôi nghĩ một trong những điều giúp đội ngũ sáng lập của chúng tôi trở nên khác biệt là luôn tôn trọng giá trị người khác mang lại. Tony hiểu biết về kinh doanh và từng tiếp xúc với một số nhà đầu tư nhưng anh ấy rất tôn trọng chuyên ngành của tôi, một người am hiểu sâu về công nghệ. Còn với Stanley, thế mạnh của anh ấy là sáng tạo sản phẩm”, Andy Fang chia sẻ.

Quá trình gây dựng DoorDash là sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba nhà sáng lập.

Con đường khởi nghiệp của Andy Fang luôn nhận được sự ủng hộ hết mình từ cha mẹ. “Họ luôn luôn ủng hộ và đứng về phía tôi, và đương nhiên tôi cũng phải "luôn giữ cho chân mình chạm đất"”, Andy nói.

“Bước đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất với những người quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh. Với cá nhân tôi, kinh doanh là con đường tôi muốn theo đuổi và tôi nghĩ mình có thể làm được. Tôi rất biết ơn cha mẹ tôi vì tiếp thêm can đảm cho tôi bước ra khỏi vùng an toàn. Khi đó là lúc bản thân có thể phát triển nhanh nhất”, anh nói.

Gia Linh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/startup-goc-a-phat-trien-dich-vu-giao-do-an-dia-phuong-lon-nhat-nuoc-my.htm