Startup và khả năng ứng phó

Sụt giảm doanh thu, dòng tiền về chậm…, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn chí mạng vào nỗ lực huy động vốn của các startup Đông Nam Á.

Fomo Pay - một trong số các công ty khởi nghiệp trẻ mới nổi tại Đông Nam Á

Fomo Pay - một trong số các công ty khởi nghiệp trẻ mới nổi tại Đông Nam Á

Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, chuyên gia GV Ravishankar thuộc Sequoia Capital India - một trong những công ty đầu tư mạo hiểm có ảnh hưởng nhất trên thế giới, đã giục các startup: “Ngừng chờ đợi đi và cắt giảm chi tiêu càng nhanh càng tốt”.

Nếu như startup thanh toán điện tử Fomo Pay - một trong số các công ty khởi nghiệp trẻ mới nổi tại Đông Nam Á - từng dự báo năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh khi ngành công nghệ tài chính khu vực này bùng nổ với số người dùng chi tiêu qua ví điện tử tăng vọt thì bây giờ họ phải tập làm quen với việc thắt lưng buộc bụng như cắt giảm chi tiêu, chi phí tiếp thị, tiền lương và nhân lực…

Theo Nikkei Asian Review, các nền kinh tế đóng băng, tiêu dùng lao dốc khiến số lượng giao dịch thanh toán điện tử qua Fomo giảm hơn 50% trong tháng 2. Công ty đã phải cắt giảm nhiều lao động bán thời gian và hoãn kế hoạch mở rộng sang Malaysia, Myanmar đến quý 3 hoặc lâu hơn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong cộng đồng khởi nghiệp có tên “SEA Founders” gồm hơn 30 doanh nhân từ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng trở nên thận trọng hơn, đặc biệt sau những cú phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) gây thất vọng của các startup đình đám tại Mỹ, điển hình là Uber Technologies. Theo trang tin tức tài chính DealStreetAsia của Singapore, không đợi đến khi đại dịch Covid-19 lan rộng mà từ năm 2019, vốn rót vào các startup trong khu vực Đông Nam Á từ các nhà đầu tư chỉ đạt 9,5 tỷ USD, giảm 30% so với năm trước.

Các công ty khởi nghiệp hiển nhiên càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn. Trước đây, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á thường chi tiêu vô tội vạ để mở rộng và giành giật thị phần thì nay Giden Lim, CEO của startup giao hoa BloomThis, có trụ sở tại Malaysia cho biết doanh thu của họ giảm tới 90%. Đứng trước áp lực tài chính, BloomThis buộc phải cắt toàn bộ chi phí tiếp thị, yêu cầu các chủ mặt bằng giúp đỡ, xin hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương vì xác định có thể mất tới 12 tháng hoặc lâu hơn để phục hồi. Nhà phát triển trò chơi Agate International có trụ sở tại Indonesia đã ngưng tuyển dụng vì bị nhiều khách hàng “khoanh” nợ.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, nhóm SEA Founders phát hiện kể cả những startup có nguồn tiền dồi dào qua những đợt gọi vốn trước đây cũng không miễn dịch với khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO của startup ví điện tử đa tiền tệ Singapore YouTrip, cho biết công ty giảm lương của đội ngũ quản lý cấp cao và cắt 50% ngân sách cho marketing dù trước đó huy động được 30 triệu USD vốn đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi trông đợi vào những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ, các startup Đông Nam Á cần nhìn thẳng vào thực tế và hành động quyết đoán khi hoàn cảnh thay đổi. Cố gắng tối ưu hóa vận hành, nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính công ty tốt hơn, chuẩn bị cho sự hỗn loạn và gián đoạn kinh doanh từ 6 đến 12 tháng cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường… Bằng những cách này, startup sẽ chứng minh được sức mạnh với các nhà đầu tư tương lai bởi khả năng ứng phó với khủng hoảng là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư tìm kiếm.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/startup-va-kha-nang-ung-pho-658513.html