Startup Việt Nam đi tìm dòng vốn ngoại

Sự thiếu hụt về vốn và tiếp cận các nguồn vốn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều rủi ro và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, dòng vốn ngoại được xem là cứu cánh cho nhiều startup Việt Nam hiện nay.

Điểm sáng từ tinh thần khởi nghiệp của người Việt

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với các năm trước.

Cụ thể, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018.

"Trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có thêm trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015", ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.

Về vốn đăng ký, cơ quan đăng ký kinh doanh cho biết, vốn bình quân trên một doanh nghiệp năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.254.368 lao động, tăng 13,3% so với 2018.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018, bao gồm: vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là hơn 1,73 triệu tỷ đồng, vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 2,27 triệu tỷ đồng (giảm 5,6% so với năm 2018) với 40.076 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

"Điểm sáng này thể hiện tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Theo người đứng đầu cơ quan tham mưu Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể.

Trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tỉ lệ khởi nghiệp thất bại vẫn còn cao

TS. Đinh Việt Hòa, Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia phân tích, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao nhưng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thì còn rất yếu và thiếu. Có những doanh nghiệp năng lực tài chính tốt nhưng vẫn có thể đóng cửa vì năng lực quản trị tài chính lại không tốt. Cùng với đó, doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy về thị trường.

Một nguyên nhân khách quan mà ông Hòa đưa ra là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, chất lượng tại tốt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt lại yếu. Điều này dẫn đến hàng hóa không tiêu thụ được, thị phần hàng hóa của Việt Nam bị sản phẩm nước ngoài lấn át, cạnh tranh gay gắt…

Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về vốn và tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi đây là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp. Thiếu vốn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào.

Ông Hòa cho rằng: "Để góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp, nên chăng, Nhà nước có những chính sách đặc biệt chấp nhận rủi ro cho các ngân hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay để khi họ gặp khó khăn thì cần "bơm" vốn cho họ, truyền cho họ một chút máu thì doanh nghiệp ấy có thể sống lại và đi tiếp".

Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, nhiều chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam còn đang rất mới, để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ thì phải cần khoảng 3 năm nữa mới xong.

Ví dụ như việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển. Còn những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường như thế nào, đi ra nước ngoài ra sao thì hiện tại chưa có khoản chính sách hỗ trợ.

Bà Phan Hoàng Lan cho biết: "Việc toàn cầu hóa trong đầu tư khởi nghiệp là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều có cả. Không phải nước nào cũng có đủ nguồn năng lực để đầu tư nhiều dành cho khởi nghiệp. Trên thế giới có hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp tỷ USD, nguồn tiền đó ở những nước như Việt Nam rất khó có được".

Theo bà Lan, một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải đóng cửa sớm là do nhiều nhà đầu tư Việt Nam còn e ngại, không dám mạnh tay đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vì mức độ rủi ro cao. Họ quan niệm rằng, trong 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 9 doanh nghiệp sẽ "chết". Do đó, đối tượng doanh nghiệp này đã "non" lại còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp bị chết yểu là không tránh khỏi.

Thương vụ VNPay gọi vốn 300 triệu USD là điển hình của startup Việt Nam khi gọi vốn ngoại

Thương vụ VNPay gọi vốn 300 triệu USD là điển hình của startup Việt Nam khi gọi vốn ngoại

Cởi bỏ nút thắt cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley (VSV), đánh giá lượng vốn đang chảy vào startup Việt tương xứng với mức độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại của đất nước. So với cách đây 7 năm, quy mô vốn đã phát triển đáng kể. Đơn cử tại VSV, vào năm 2012, mỗi startup được tổ chức này đầu tư chỉ 10.000 USD thì con số hiện tại cũng phải 50.000 USD.

"Singapore là thị trường vốn mạo hiểm nhiều nhất khu vực. Còn Hàn Quốc cũng là nước trong nhóm đầu về rót vốn đầu tư vào Việt Nam", bà Anh chỉ ra hai thị trường vốn triển vọng mà các startup có thể tăng cường tiếp cận.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, đơn vị quản lý VinTech Fund cũng cho rằng, đã đến lúc các startup Việt cần chủ động, không chỉ dừng ở bước là mong muốn thành một phần của cộng đồng khởi nghiệp thế giới.

"Đối với tôi startup Việt bây giờ không chỉ nhìn ra thế giới mà đã hòa vào thế giới. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta có thể nói chúng ta là một phần của thế giới rồi", bà Trương Lý Hoàng Phi lạc quan.

Trong khi đó, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đối tác điều hành của ESP Capital, tán đồng việc tích cực đi gọi vốn nước ngoài bởi các startup Việt cũng không kém tiềm năng nhưng thiếu cơ hội tiếp cận đủ vốn cần thiết.

"Trong thương mại điện tử, chúng ta vừa có Sendo gọi được 61 triệu USD và Tiki thì nhỉnh hơn con số đó một chút. Tuy nhiên, hãy nhìn sang lân cận, hai startup thương mại điện tử của Indonesia đã gọi được tỷ USD. Vấn đề của chúng ta là không tìm đủ được lượng vốn cần thiết", bà Vy nêu ví dụ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất lưu ý, gọi vốn từ tư nhân khó khăn hơn rất nhiều so với đi tìm vốn tài trợ hay tự bỏ vốn. Do đó, việc ra nước ngoài tìm vốn cần có hợp tác của nhiều bên và sự chuẩn bị kỹ càng từ các khâu ý tưởng, ươm tạo, huấn luyện, đào tạo, tăng tốc... để có được những startup chất lượng.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/startup-viet-nam-di-tim-dong-von-ngoai-1578025111535.htm