STIKO: Tiêm chéo hai loại vắc xin mang lại hiệu quả cao hơn

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 2/7, Bộ Y tế Liên bang Đức cho biết chính quyền liên bang và các bang đã nhất trí thực hiện ngay lập tức khuyến nghị mới của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của nước này, theo đó, những người đã tiêm phòng mũi đầu tiên với vắc xin Astrazeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai với vắc xin công nghệ mRNA.

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết việc bảo vệ sau hai lần tiêm với vắc xin Astrazeneca là rất tốt.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của STIKO, sự kết hợp giữa 1 mũi vắc xin Astrazeneca đầu tiên và mũi thứ hai với vắc xin công nghệ mRNA (như vắc xin Biontech/Pfizer hoặc Moderna) mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Do đó, Bộ Y tế liên bang và các bang tại Đức đã thống nhất triển khai thực hiện khuyến nghị này ngay lập tức.

Đối tượng áp dụng không chỉ là những người trẻ tuổi mà cả những người trên 60 tuổi.

Theo kết quả nghiên cứu của STIKO, mũi tiêm thứ hai với loại vắc xin công nghệ mRNA có thể tiêm ít nhất 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ nhất với vắc xin Astrazeneca.

STIKO cho biết những người được tiêm chéo hai loại vắc xin khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" so với những người tiêm 2 liều vắc xin Astrazeneca.

STIKO cũng khuyến cáo việc tiêm phòng đầy đủ, tức là tiêm đủ hai mũi vắc xin, là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại sự lây nhiễm của các biến thể virus. Theo STIKO, nếu chỉ tiêm một liều vắc xin, khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn đáng kể.

Trước khuyến cáo của STIKO, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn kêu gọi người dân Đức không nên bỏ qua mũi vắc xin thứ hai, nhất là trong bối cảnh điều này đặc biệt quan trọng để ngăn chặn biến thể rất dễ lây nhiễm Delta.

Theo Bộ trưởng Spahn, người dân càng tiêm phòng nhiều trong mùa Hè thì hiệu quả phòng chống lây nhiễm càng cao trong mùa thu tới.

Bộ trưởng Spahn cho biết hiện đã có đủ vắc xin từ Biontech/Pfizer và Moderna để thực hiện khuyến nghị mới của STIKO.

Việc tiêm chéo hai loại vắc xin khác nhau rất quan trọng vì hiện tại, biến thể Delta đang lan rộng nhanh chóng ở Đức.

Theo ước tính của Viện Robert Koch (RKI), tỉ lệ biến thể Delta tại Đức có thể đã vượt quá 50% tổng số ca lây nhiễm mới tại nước này.

Đức dự định sẽ chi 3,9 tỉ euro (khoảng 4,62 tỉ USD) để mua 204 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm tới nhằm tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vắc xin và có lượng vắc xin dự phòng lớn để ứng phó với bất kỳ biến thể mới nào của virus SAR-CoV-2.

Theo một văn bản của Bộ Y tế Đức, trong kế hoạch gia tăng lượng vắc xin này, gần 85 triệu liều vắc xin loại mRNA của BionTech/Pfizer đã được ký hợp đồng mua thông qua chương trình mua vắc xin của Liên minh châu Âu (EU)

Văn bản trên cho biết Đức sẽ mua thêm ít nhất một vắc xin loại mRNA nữa, cũng như các vắc xin sử dụng các công nghệ khác, nhằm góp phần tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vắc xin.

Viện Robert Koch, cơ quan y tế công của Đức, đã khuyến nghị nên có sẵn đủ vắc xin loại mRNA để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng cũng có thể mua vắc xin sử dụng các công nghệ thay thế để đề phòng những vấn đề bất ngờ xảy ra với công nghệ vắc xin mới nhất này.

Bên cạnh vắc xin BionTech/Pfizer, Đức sẽ mua thêm 31,8 triệu liều vắc xin loại mRNA nữa của Moderna, 18,3 triệu liều vắc xin được sản xuất bằng công nghệ vector virus của hãng Johnson & Johnson, và tổng cộng 70 triệu liều vắc xin từ Sanofi, Novavax và Valneva.

Vắc xin của hãng AstraZeneca và Curevac không được đề cập đến trong văn bản trên. Vắc xin AstraZeneca gặp khó khăn trong việc vận chuyển đến EU, trong khi vắc xin Curevac lại có kết quả thử nghiệm gây thất vọng. Hãng Curevac của Đức tối 30/6 đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 do hãng sản xuất.

Theo đó, vắc xin Curevac chỉ có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi, kết quả thấp hơn nhiều so với các vắc xin cùng công nghệ mRNA của BioNTech và Moderna.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260666/stiko--tiem-cheo-hai-loai-vac-xin-mang-lai-hieu-qua-cao-hon.html