Stress kéo dài, tim đập nhanh: Cô gái trẻ không ngờ mình mắc rối loạn tâm thần

Thường xuyên lo âu, mất ngủ, tim đập nhanh về đêm, cô gái 23 tuổi đi khám và bất ngờ được chẩn đoán rối loạn lo âu – một dạng rối loạn tâm thần phổ biến.

Áp lực công việc, căng thẳng tinh thần kéo dài khiến một nữ nhân viên kế toán 23 tuổi ở Hà Nội rơi vào trạng thái lo âu liên tục, mất ngủ, suy giảm sức khỏe và phải tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Viết Chung – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện E, bệnh nhân đến khám trong tình trạng thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, khó biểu đạt cảm xúc, cảm thấy mệt mỏi, đau tức ngực và tim đập nhanh, đặc biệt vào ban đêm khi nằm nghỉ. Những triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn khiến người bệnh ngày càng khép kín, mất tập trung trong công việc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chẩn đoán rối loạn lo âu và thần kinh thực vật
Sau khi thăm khám và đánh giá lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu kèm theo rối loạn thần kinh thực vật – nhóm bệnh thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Phác đồ điều trị bao gồm sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý cá nhân.

Sau gần 3 tuần điều trị bằng thuốc, tình trạng của bệnh nhân tiến triển tích cực. Giấc ngủ dần ổn định, không còn tỉnh giấc giữa đêm, cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực hay đau tức ngực cũng không còn. Mặc dù vẫn nghe rõ tiếng tim đập khi nằm – một biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật – nhưng mức độ đã giảm rõ rệt.

Đến lần tái khám gần nhất (21/7), bệnh nhân cho thấy sức khỏe cải thiện toàn diện: các biểu hiện lo âu biến mất, ăn ngủ tốt, khả năng tập trung tăng lên và không còn cảm nhận bất thường ở vùng ngực. Bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp đáp ứng điều trị tốt nếu tiếp tục tuân thủ phác đồ.

Rối loạn lo âu ngày càng phổ biến ở người trẻ
Theo bác sĩ Chung, rối loạn lo âu là vấn đề tâm thần phổ biến, nhưng nhiều người còn thiếu kiến thức hoặc chủ quan, dẫn đến phát hiện muộn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển thành mạn tính, làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.

Trong trường hợp của bệnh nhân trên, cô sẽ tiếp tục sử dụng thuốc theo phác đồ thêm hai tháng, sau đó được hướng dẫn giảm dần liều trong vòng 2-3 tháng tiếp theo để tránh tái phát.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, tính đến năm 2021, có khoảng 301 triệu người trên thế giới mắc rối loạn lo âu, chiếm 4% dân số toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 15 triệu người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó trầm cảm và rối loạn lo âu là phổ biến nhất, chiếm tới 5,4% dân số.

Giải pháp phòng ngừa từ sớm
Các chuyên gia cảnh báo, áp lực công việc, làm việc quá sức, thiếu ngủ, ít vận động và ít giao tiếp xã hội là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến stress và rối loạn lo âu. Mỗi người nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh: ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên, hạn chế tiếp xúc tiêu cực từ mạng xã hội và dành thời gian thư giãn sau giờ làm việc.

Trong trường hợp có dấu hiệu kiệt sức, mất ngủ kéo dài, khó kiểm soát cảm xúc, lo âu quá mức hoặc suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, người bệnh nên tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

Việc chủ động chia sẻ, tăng cường kết nối xã hội và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa nhiều hậu quả nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe tâm thần và cải thiện chất lượng sống lâu dài.

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/stress-keo-dai-tim-dap-nhanh-co-gai-tre-khong-ngo-minh-mac-roi-loan-tam-than-20485.html