'Studio học thuật mở' giữa thành phố Huế

Không gian học tập trải nghiệm đang trở thành xu hướng sống động tại nhiều đô thị lớn - và Huế đang có một điểm nhấn đặc biệt: Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung.

Bảo tàng đón và giới thiệu các hiện vật cho khách tham quan nhí

Bảo tàng đón và giới thiệu các hiện vật cho khách tham quan nhí

Không gian tương tác thế hệ mới

Trong 10 ngày đầu tháng Tư, Bảo tàng đã thu hút gần 6.500 lượt khách đến tham quan, một con số ấn tượng. Điều làm nên khác biệt không chỉ là những mẫu vật quý hiếm hay công nghệ tương tác hiện đại, mà chính là tư duy hành động quyết liệt từ lãnh đạo và đội ngũ vận hành, những người đang biến nơi này thành không gian khởi đầu cho một thế hệ công dân xanh tương lai.

Không gian Bảo tàng đang dần được tái cấu trúc thành “studio học thuật mở” giữa lòng thành phố Huế. Với hơn 5.000 mẫu vật từ các loài động, thực vật đặc hữu, hệ sinh thái rừng - biển - đầm phá miền Trung, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung là nơi duy nhất trong khu vực tích hợp bảo tồn - giáo dục - công nghệ.

Từ số hóa 3D mẫu vật, tích hợp dữ liệu trên Hue-S, đến tổ chức các buổi workshop làm tiêu bản..., nơi đây đang trở thành lớp học không tường cho học sinh, sinh viên và cộng đồng. Đặc biệt, mô hình trải nghiệm tương tác - học tập trực quan đang được triển khai mạnh mẽ, phù hợp với đối tượng trọng tâm mà thành phố xác định là trẻ em, học sinh phổ thông.

Chị Võ Thị Hải Hiền (quận Thuận Hóa) chia sẻ: “Không gian nơi đây rất lý tưởng để các em vừa học vừa chơi. Tôi mong Bảo tàng sẽ tiếp tục được đầu tư thêm, hiện đại hơn và có nhiều mẫu vật quý hơn để du khách khám phá thêm về thiên nhiên”.

Quyết tạo đột phá trong giáo dục - bảo tồn

Trong buổi làm việc tại Bảo tàng vào giữa tháng Tư vừa qua, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình lưu ý: “Không gian Bảo tàng cần có câu chuyện xuyên suốt, được chia chủ đề hợp lý, gắn công nghệ tương tác, trò chơi, hình ảnh, âm thanh để học sinh đến là học bằng trải nghiệm, là khám phá thiên nhiên thực thụ”.

Ông Lê Nguyễn Thới Trung, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng cho biết: “Chúng tôi đang tập trung cải tạo toàn diện để định hình lại không gian, xây dựng lại quy trình, tuyến tham quan và tăng cường trải nghiệm tương tác cho học sinh và cộng đồng. Hiện nay, Bảo tàng đã số hóa được hơn 50 mẫu vật 3D và đang tiếp tục mở rộng, hướng đến xây dựng một nền tảng bảo tàng ảo hiện đại – nơi du khách có thể khám phá theo từng chủ đề riêng biệt. Trong thời gian Bảo tàng tạm đóng cửa để trùng tu, chúng tôi tổ chức các chương trình lưu động tại trường học, kết nối với cộng đồng qua nền tảng Hue-S, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo để đón sinh viên đến thực tập, nghiên cứu”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ, Bảo tàng cần cải tạo tổng thể theo định hướng mở đầu bằng phòng giới thiệu chung, phân tuyến theo chủ đề, trang trí bắt mắt, vui tươi, trẻ trung, tích hợp công nghệ - hình ảnh - trải nghiệm trực quan. Trước mắt, thành phố tập trung phát triển ổn định Bảo tàng tại cơ sở hiện tại, phù hợp đặc thù giáo dục trải nghiệm, trước khi triển khai xây dựng khu trung tâm theo quy hoạch Đề án phát triển bảo tàng. Bảo tàng cũng cần nghiên cứu vận hành tinh gọn, thân thiện, phục vụ du khách, người dân chu đáo, hướng tới mô hình bảo tàng số - bảo tàng ảo đa lựa chọn với toàn bộ mẫu vật được số hóa.

Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung đang từng bước chuyển mình đúng với định hướng mà lãnh đạo thành phố đề ra: Trở thành không gian giáo dục trải nghiệm trực quan, sáng tạo và hấp dẫn cho học sinh - thế hệ công dân sinh thái trong tương lai. Đây không còn là nơi trưng bày tĩnh lặng, mà là điểm chạm giữa tri thức - công nghệ - cảm hứng sống xanh. Bảo tàng chính là một phần trong chiến lược phát triển Huế theo hướng đô thị sinh thái - học thuật - hiện đại, bắt đầu từ việc nuôi dưỡng ý thức bảo vệ thiên nhiên ngay từ tuổi học trò.

Bài, ảnh: Đăng Vinh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/studio-hoc-thuat-mo-giua-thanh-pho-hue-153323.html