Su-27 Flanker của Ukraine: Từ chiến đấu cơ hàng đầu châu Âu tới mớ hỗn độn lỗi thời

Không quân Ukraine là một trong số ít những lực lượng ở châu Âu duy trì được hoạt động trên lãnh thổ của họ kể từ sau Thế chiến II, nhưng đã chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến với Nga.

 Chiến đấu cơ Su-27 của Không quân Ukraine (Ảnh: Military Watch)

Chiến đấu cơ Su-27 của Không quân Ukraine (Ảnh: Military Watch)

Mặc dù Ukraine sở hữu hơn 1.000 chiến đấu cơ trong khoảng những năm 1990, nhưng kinh tế khó khăn trong suốt 3 thập kỷ qua đã khiến phi đội này giảm xuống chỉ còn 84 vào năm 2022, và tất cả trong số chúng đều là những mẫu thiết kế từ những năm 1980, kế thừa từ Liên Xô cũ.

Bên cạnh 14 chiếc Su-24M, phi đội của Ukraine còn có xấp xỉ 35 chiếc MiG-29 và 35 chiếc Su-27, đều biên chế từ những năm 1980. Su-27, đã hoạt động khá nhiều trong 2 tuần đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Ukraine, từng được xem là mẫu chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và nó cũng từng là mẫu đại diện cho tài sản không quân hùng mạnh của Ukraine.

Ukraine sở hữu phi đội Su-27 lớn thứ hai thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ, kế thừa một phần lớn kho vũ khí của Liên Xô trong khi phần còn lại thuộc về Nga, Belarus và Uzbekistan. Nhưng hiện tại, phi đội của Ukraine nhỏ hơn nhiều, do các vụ tai nạn và chi phí vận hành cao.

Su-27 của Không quân Liên Xô (Ảnh: Wiki)

Khi Su-27 biên chế vào năm 1985, nó được kỳ vọng sẽ là một mẫu chiến đấu cơ dễ dàng vượt trội mẫu F-15C Eagle của Không quân Mỹ. Su-27 có độ linh hoạt cao hơn và vượt trội hơn xét về chiến đấu ở tầm ngắn. Tên lửa không-đối-không R-27ER của nó có tầm bắn 130 km, từng được xem là mạnh nhất thế giới. Động cơ AL-31 của Su-27 cũng từng là động cơ mạnh mẽ nhất nếu như được lắp đặt cho bất kỳ chiến đấu cơ nào trên thế giới, trong khi thời gian hoạt động cũng không có đối thủ khi di chuyển 4.000 km chỉ với bình xăng trong.

Su-27 của Không quân Ukraine (Ảnh: Military Watch)

Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine bỗng dưng được kế thừa chiến đấu cơ mạnh nhất ở châu Âu – chắc chắn đủ sức vượt mặt mọi chiến đấu cơ trong Không quân Mỹ - mặc dù phi công của họ thiếu sự huấn luyện đầy đủ, có nghĩa rằng Su-27 không phát huy được hết khả năng của nó. Điều này đúng với cả Nga và Ukraine trong giai đoạn bất ổn trong nước những năm 1990.

Vào những năm 2000, Nga bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ và có nhiều nỗ lực hiện đại hóa phi đội Su-27 của mình, cùng lúc sản xuất thêm một số biến thể phần khung máy bay để xuất khẩu. Trong cùng thời gian, phi đội Su-27 của Ukraine vẫn gần như không có gì thay đổi, bởi vậy mà mặc dù vẫn hoạt động khá hiệu quả nhưng trên thực tế chúng đã hoàn toàn lỗi thời.

Những chiếc Su-27 được nâng cấp của Không quân Nga, biên chế vào những năm 2010, được trang bị các tên lửa mới R-37M, nhờ vậy mà tầm bắn đạt 400 km, so với 130 km của tên lửa R-27 cũ. Nó cũng có tầm phát hiện máy bay địch 400 km, so với 80 km của mẫu cũ. Su-27 được nâng cấp của Nga còn sử dụng hệ thống radar dẫn đường chủ động thay vì bán chủ động cho các loại tên lửa, ngoài ra còn có hệ thống tác chiến điện tử, màn hình buồng lái và quan trọng nhất là kết nối dữ liệu để phục vụ tác chiến theo mạng lưới. Nhờ vậy mà Su-27 của Nga có lợi thế khổng lồ nếu so với mẫu Su-27 của Ukraine.

Su-30SM và Su-35 của Không quân Nga (Ảnh: Military Watch)

Phi đội Su-27 của Ukraine đã được triển khai ngay từ những giờ đầu tiên của cuộc xung đột với Nga, để rồi hứng chịu tổn thất nặng nề vì bắn nhầm lẫn nhau, một chiếc thì trốn sang nước láng giềng Romania, và chiếc khác bị cho là bị bắn hạ gần Kiev do hệ thống S-400 của Nga đặt tại Belarus. 4 chiếc khác bị bắn hạ vào ngày 5/3 gần thành phố Zhytomyr ở miền Tây Ukraine, và có thông tin cho rằng thủ phạm là các chiến đấu cơ Su-35 của Nga cất cánh từ Belarus.

Rõ ràng là khi đối đầu với Su-35, Su-27 của Ukraine không có lấy một cơ hội nào, mặc dù cả hai đều là mẫu thiết kế Flanker nhưng phi cơ Ukraine lại bị tụt hậu về công nghệ gần 3 thập kỷ, trong khi phi công Ukraine cũng thiếu nhiều giờ huấn luyện bay trên không.

Do các quy định về bảo dưỡng cao và cần có các sân bay kích thước khá lớn để cất cánh nên Su-27 không phù hợp với tình hình của Ukraine hiện nay, trong khi MiG-29 lại phù hợp hơn nhiều nhờ được thiết kế để hoạt động gần tiền tuyến, trên các đường băng đang bị tấn công.

Tương lai của phi đội Su-27 – kể cả trong trường hợp một chính phủ thân Nga được thành lập ở Ukraine sau khi chiến sự chấm dứt – vẫn chưa chắc chắn, nhưng chúng vẫn còn tiềm năng để hiện đại hóa, giống như Nga đã làm với phi đội Su-27 của họ theo chương trình Su-27SM2.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/su-27-flanker-cua-ukraine-tu-chien-dau-co-hang-dau-chau-au-toi-mo-hon-don-loi-thoi-post155509.html