Su-34M Nga ra đời, khắc phục yếu điểm của 'thú mỏ vịt' Su-34

Cường kích hiện đại Su-34M là biến thể nâng cấp sâu rộng với việc trang bị hệ thống điện tử và động cơ cải tiến, chúng sẽ khắc phục yếu điểm của dòng 'thú mỏ vịt' Su-34.

Tập đoàn UAC bàn giao cho không quân Nga loạt máy bay cường kích Su-34M hiện đại hóa, phí nhà sản xuất cho biết, phiên bản nâng cấp này có tính năng chiến đấu vượt trội Su-34.

"Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) đã bàn giao loạt tiêm kích bom Su-34 mới cho Không quân Vũ trụ Nga. Chúng được sản xuất tại Nhà máy hàng không Chkalov Novosibirsk và đã hoàn thành toàn bộ các bài nghiệm thu", văn phòng báo chí UAC ra thông cáo cho biết hôm 2/6.

Tập đoàn UAC không công bố số lượng máy bay được bàn giao, nhưng hình ảnh được công bố cho thấy ít nhất hai phi cơ trong quá trình chuẩn bị cất cánh tại nhà máy.

"Những chiếc Su-34M này được tăng đáng kể năng lực chiến đấu, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không tiên tiến, tăng tầm tấn công mục tiêu mặt đất và mặt biển, mở rộng khả năng tập kích mục tiêu bằng các loại bom", thông cáo có đoạn.

"Cường kích hiện đại Su-34M là một phần quan trọng với năng lực tiến công của không quân chiến thuật Nga", thông cáo nhấn mạnh.

Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow cho biết: Những chiếc Su-34M đầu tiên được chuyển cho không quân Nga trong năm nay, thuộc loạt 24 máy bay được Bộ Quốc phòng đặt mua hồi giữa năm 2020.

Trước đó dòng chiến đấu cơ Su-34 đã nhận không ít chỉ trích, thậm chí có ý kiến cho rằng, dòng máy bay này không thực sự cần thiết vì tiêm kích Su-30SM cũng có khả năng đảm nhận nhiệm vụ tấn công mặt đất bên cạnh không chiến mạnh mẽ.

Ngoài ra hệ thống điện tử và động lực trên Su-34 được đánh giá là kém hiệu quả khi thực chiến.

Su-34 ra đời từ thời Liên Xô và đưa vào biên chế không quân Nga năm 2014, hiện là một trong những chiến đấu cơ chủ lực của Nga trên chiến trường.

Su-34 được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột tại Syria, tuy nhiên chúng đã được rút về nước để nâng cấp trước khi tái triển khai.

Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử, điều khiển hỏa lực với radar W-141 mới, hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian và có những thực chiến thì người ta bắt đầu nhận ra những nhược điểm của mẫu cường kích này.

"Su-34 gặp phải khó khăn lớn khi tác chiến với địa hình đồi núi và rừng rậm. Radar của chúng không thể soi được các mục tiêu trong điều kiện địa hình như vậy”, một nguồn tin giấu tên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

"Hệ thống quan sát hiển thị ảnh nhiệt cùng các thiết bị khác cũng vấp phải những hạn chế”, nguồn tin giấu tên trên cho biết thêm.

Theo nguồn tin này, máy bay cường kích Su-34 mặc dù được trang bị loại radar công nghệ cao mạng pha Leninets B004 (hay còn gọi là W-141), nhưng loại radar này lại chứng minh sự vô dụng của nó trong môi trường tác chiến như trên.

Các phi công không thể tìm thấy các đối tượng hay mục tiêu nào khác nhau trên màn hình hiển thị và buộc các phi công phải hạ độ cao.

Su-34 được phát triển từ đầu những năm 1980 dựa trên tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27. Mẫu thử ban đầu được gọi là T-10V (tên chính thức Su-27IB) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 13/4/1990.

Do sự tan rã của Liên Xô đã khiến chương trình bị trì hoãn nhiều lần, và mãi tới giữa những năm 1990, chương trình mới lại tiếp tục với tên gọi mới Su-34.

Tất cả những chiếc Su-34 được trang bị về cơ bản chúng vẫn là một sản phẩm tốt khi được ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tích hợp thiết kế khí động học với cánh mũi (PGO) tạo sự ổn định cho máy bay và khả năng cơ động tốt ở độ cao thấp khi mang vũ khí.

Khung được chế tạo từ titan và hợp kim nhôm và hệ thống điện tử mạnh khiến cho chiếc Su-34 có thể an toàn trước các loại súng phòng không nhỏ từ mặt đất.

Trong tác chiến hiện đại, máy bay không chỉ phải tránh tên lửa từ mặt đất, mà còn phải bay lên độ cao 6.000 m để hạ mục tiêu.

Nhưng ở độ cao này, Su-34 ngay lập tức mất đi lợi thế của hệ thống radar, W-141 không có khả năng phân biệt các mục tiêu như xe bọc thép, công sự, binh lính...

Tổng cộng 157 chiếc Su-34 đã được sản xuất, trong đó có 7 nguyên mẫu thử nghiệm. Một số phi cơ từng bị rơi tại Ukraine.

Có chuyên gia nhận định rằng, Su-34 là máy bay tốt nhất của cuộc chiến tranh lạnh, nhưng thời kỳ đó đã kết thúc cách đây 30 năm.

Vì vậy, Nga đã phát triển biến thể Su-34M hiện đại chứ không nên phó mặc cho những ý tưởng từ những năm 1980.

“Hệ thống tác chiến điện tử Khibiny lắp trên cường kích Su-34M sẽ được nâng cấp nhằm tăng tính tự động hóa trong tác chiến. Còn vai trò của phi công sẽ được giảm xuống mức tối đa”, nguồn tin quân sự giấu tên nói với hãng tin TASS.

Hệ thống Khibiny được Nga ra mắt từ năm 2013 để bảo vệ máy bay trước các hệ thống phòng không.

Khibiny có thể hỗ trợ hệ thống điều khiển vũ khí của máy bay, tạo môi trường điện tử nghi binh và đánh lừa phòng không đa tầng. Khibiny đang được trang bị trên nhiều tiêm kích tiền tuyến của Nga như Su-30SM, Su-34 và Su-35S.

Su-34M trang bị động cơ mới AL-41F1S mạnh hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Động cơ AL-41F1S là biến thể phái sinh từ loại AL-41F1 đang tích hợp trên máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của Nga - chiếc Su-57 Felon.

Động cơ AL-41F1S có thể cung cấp cho cường kích Su-34M lực đẩy khô 8,8 tấn và 14 tấn ở chế độ đốt nhiên liệu phụ trội.

Su-34M có thể mang theo khối lượng vũ khí thông thường là 8 tấn và có thể tăng lên tối đa 12 tấn, tuy nhiên máy bay sẽ phải mang ít nhiên liệu hơn, vì thế tầm tác chiến giảm.

Su-34M được thiết kế để có thể tiếp nhiên liệu trên không làm gia tăng tầm bay.

Loại máy bay này vẫn được trang bị một khẩu pháo hàng không 30mm trong thân để không chiến tầm gần, hoặc khai hỏa mục tiêu mặt đất khi máy bay hạ độ cao.

Su-34M có thể trang bị tất cả các loại vũ khí hiện có trong quân đội Nga dành cho việc tấn công mục tiêu trên biển và mặt đất.

Su-34M được thiết kế với hai phi công điều khiển, đáng chú ý là việc bố trí ngồi song song với nhau thay vì ngồi trước và sau.

Việc ngồi song song của phi công điều khiển sẽ giúp cho việc phối hợp tác chiến của máy bay chiến đấu hiệu quả hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/su-34m-nga-ra-doi-khac-phuc-yeu-diem-cua-thu-mo-vit-su-34-post541819.antd