Trước khi xảy ra xung đột, mạng lưới phòng không của Ukraine chỉ bao gồm các hệ thống phòng không di động có tầm bắn hạn chế được kế thừa từ thời Liên Xô cũ.
Hệ thống tầm xa duy nhất mà Ukraine được kế thừa từ Liên Xô là S-200, tuy nhiên S-200 đã bị đưa ra khỏi biên chế mà không có hệ thống nào thay thế do tuổi thọ cao và thiếu tính cơ động khiến hệ thống này rất dễ bị tấn công.
Ukraine cũng đã đưa vào sử dụng lại các hệ thống tên lửa S-125 vào năm 2020 sau một thời gian dài niêm cất. Những tổ hợp tên lửa S-125 có niên đại từ năm 1961 và cũng thiếu tính cơ động. Quyết định đưa tổ hợp S-125 trở lại sử dụng đã phản ảnh sự khó khăn trong việc nâng cấp hệ thống phòng không của Ukraine.
Lực lượng không quân Nga báo cáo rằng lực lượng phòng thủ của Ukraine đã tê liệt và cạn kiệt các vũ khí. Không quân Nga vẫn đang tiếp tục việc săn lùng và phá hủy nốt những thiết bị còn lại của phòng không Ukraine.
Trong tuần thứ hai của chiến dịch, Nga bắt đầu huy động các máy bay chiến đấu với tần suất nhiều hơn để hỗ trợ các hoạt động của lực lượng mặt đất. Nổi bật trong đó là các máy bay chiến đấu Su-35 được triển khai với tên lửa chống bức xạ Kh-31PM và Kh-31P để chế áp các hệ thống phòng không của Ukraine.
Su-35 đã thành công trong việc vô hiệu hóa các máy bay chiến đấu của Ukraine. Theo các chuyên gia, 4 chiếc Su-27 của Ukraine bị bắn hạ ở miền tây Ukraine gần thành phố Zhytomir hôm 05/3 là do các chiến đấu cơ Su-35.
Su-35 được thiết kế chủ yếu như một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để không chiến chống lại lực lượng không quân tinh nhuệ của đối phương, đồng thời có khả năng thực hiện các vai trò khác và tương thích với nhiều loại tên lửa phòng không khác nhau.
Su-35 triển khai cho các nhiệm vụ chế áp phòng không, điều đáng chú ý là chiếc máy bay này được trang bị tên lửa không đối không tiên tiến R-77 và R-73. Đây là sự bổ sung cần thiết trong khi quyền kiểm soát bầu trời của Nga vẫn chưa được bảo đảm hoàn toàn.
Ngoài ra, một số hình ảnh cũng cho thấy Su-35 của Nga khi đưa sang tham chiến ở Ukraine còn được trang bị cả tên lửa Kh-31, nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên không của Nga.
Kh-31 là loại tên lửa đạt tốc độ Mach 3, rất phù hợp để đánh chặn máy bay đối phương và tấn công từ khoảng cách an toàn, đồng thời là phương tiện lý tưởng để vô hiệu hóa các mục tiêu như hệ thống phòng không S-300 và BuK-M1 bằng cách phát hiện sự phát xạ từ radar của những hệ thống này.
Tuy nhiên, tên lửa Kh-31 không phù hợp để chống lại các hệ thống phòng không tầm thấp của Ukraine, cụ thể là các tên lửa cầm tay như Igla và Stinger, những tên lửa này sử dụng tia hồng ngoại thay vì dẫn đường bằng radar.
Các hệ thống tên lửa cầm tay của Ukraine được coi là mối đe dọa chính đối với máy bay Nga và được tích hợp vào các đơn vị bộ binh nên khiến chúng rất khó bị phát hiện. Các tên lửa cầm tay vẫn là một lựa chọn hiệu quả dành cho các lực lượng Ukraine để vô hiệu hóa máy bay Nga.
Các máy bay Su-35 sẽ có nhiệm vụ chế áp khả năng phòng không của các toán lính Ukraine sử dụng tên lửa cầm tay Igla và Stinger. Từ đó đem lại hiệu quả chiến đấu cao hơn mà giảm được những tổn thất nghiêm trọng cho không quân Nga.
Tiến Minh