Tờ Eurasian Times vừa đăng tải hình ảnh đồ họa về loại tiêm kích một động cơ, được cho là thiết kế tương lai, được Nga xây dựng dựa trên tiêm kích Su-57, nhằm khắc phục điểm yếu lớn nhất của loại phi cơ này, đó là thiếu khả năng tàng hình.
Theo đó, tập đoàn Sukhoi đã bắt tay vào việc thiết kế một chiến đấu cơ đời mới, dựa trên thiết kế ban đầu của Su-57, nhưng tăng cường khả năng tàng hình lên một tầm cao mới.
Thông tin từ tờ Eurasian Times cũng cho biết, nhiều khả năng thiết kế tiếp theo của chiến đấu cơ đời mới này, sẽ chỉ được trang bị một động cơ.
Từ trước tới nay, chiến đấu cơ Su-57 của Nga luôn được tung hô về khả năng cơ động và tốc độ tuyệt vời mà nó có thể đạt được, tuy nhiên để đạt được tốc độ và khả năng cơ động, Su-57 lại đánh đổi mất khả năng tàng hình.
Mặc dù Nga chưa từng lên tiếng thừa nhận, tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, thiết kế động cơ vector 3D trên Su-57, là điểm yếu chí tử của tiêm kích này trước radar đối phương.
Khác với thiết kế động cơ ẩn bên trong vỏ tàng hình của máy bay như F-22 Raptor của Mỹ, động cơ của tiêm kích chiến đấu Su-57 lại đặt lộ thiên gần như hoàn toàn.
Lớp vỏ hấp thụ sóng radar của tiêm kích Su-57 không che được bộ phận động cơ của máy bay, điều này đồng nghĩa với việc, dù toàn bộ chiếc Su-57 tàng hình, động cơ của nó vẫn sẽ bị radar của đối phương bắt được.
Cái khó của Nga đó là động cơ của Su-57 có hiệu suất hoạt động quá tốt, sinh ra nhiều nhiệt và là động cơ vector 3D. Tất cả những yếu tố trên sẽ khiến cho động cơ của Su-57, không thể nhét vừa vào trong máy bay, cũng như không thể được bọc một lớp vỏ hấp thụ sóng radar ở bề mặt bên ngoài.
Bản thân Mỹ cũng từng thừa nhận đã đánh đổi khả năng cơ động, cũng như tốc độ của tiêm kích F-22 Raptor và F-35 để đổi lấy khả năng tàng hình vượt trội, tuy nhiên với Su-57 mọi chuyện lại có vẻ không đi theo chiều hướng này.
Ngoài ra, thông tin về việc mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 tiếp theo của Nga sẽ được trang bị một động cơ, cũng khiến không ít người tò mò và phấn khích.
Kể từ khi Liên Xô tan rã tới nay, Nga chưa từng chế tạo bất cứ một loại chiến đấu cơ hạng nhẹ một động cơ nào. Tiêm kích nhẹ nhất của Nga hiện nay, có lẽ là chiếc MiG-29 - cũng được trang bị hai động cơ, và có thể coi là chiến đấu cơ hạng trung.
Các tiêm kích một động cơ, về thông số lý thuyết cũng không thua kém nhiều so với chiến đấu cơ hai động cơ nếu xét về khả năng mang vũ khí, và tầm hoạt động trên không.
Chưa kể, tiêm kích một động cơ sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn, thời gian lắp ráp ngắn hơn và chi phí sử dụng, khấu hao cũng thấp hơn.
Hiện nay trên thị trường thế giới, tiêm kích một động cơ F-16 của Mỹ vẫn đang là "bá chủ" và gần như không có đối thủ.
Dù chỉ có một động cơ, chiến đấu cơ F-16 của Mỹ vẫn có khả năng mang vác tới 7,7 tấn vũ khí - chỉ thua 300 kg so với tải trọng vũ khí tối đa của Su-30.
Đây hiện tại cũng là loại chiến cơ xương sống của Mỹ, với 1300 chiếc đang hoạt động trong biên chế, là loại tiêm kích có số lượng đông bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Phi công thử nghiệm đẩy tiêm kích Su-57 tới giới hạn của khả năng cơ động bằng một loạt các động tác bay không tưởng. Nguồn: Sukhoi.
Trần Trân