Su-57 phiên bản nâng cấp – Vũ khí mới uy lực của Nga
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 phiên bản nâng cấp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối tuần trước tại trung tâm thử nghiệm bay Zhukovsky gần Moscow. Chuyến bay diễn ra suôn sẻ và không gặp sự cố nào.
Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC), thuộc tập đoàn nhà nước Nga Rostec, cho biết, chiến đấu cơ Su-57 phiên bản nâng cấp đã bay thử nghiệm lần đầu tiên hôm 21/10 tại trung tâm thử nghiệm bay Zhukovsky gần Moscow. Máy bay do phi công thử nghiệm Sergey Bogdan số 1 của Phòng thiết kế Sukhoi điều khiển. Chuyến bay kéo dài 56 phút và không gặp sự cố nào.
Theo UAC, tiêm kích tàng hình Su-57 còn thử nghiệm các thiết bị với tính năng mở rộng trên máy bay, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phi công và khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí mới.
Hệ thống hỗ trợ thông minh
Hệ thống hỗ trợ thông minh cho phép máy tính trên máy bay Su-57 thực hiện nhiệm vụ điều khiển máy bay, giúp phi công tập trung vào các chức năng quan trọng.
Theo ông Yuri Slyusar, Tổng giám đốc UAC, chiếc máy bay tự đảm nhận việc điều khiển và chuẩn bị sử dụng vũ khí. Máy bay cũng có tính năng tự động hóa thông minh mức độ cao trong chiến đấu.
Tháng 7/2021, ông Nikita Dorofeev, trưởng bộ phận buồng lái của Phòng thiết kế Sukhoi từng tiết lộ trong tương lai, phi công Su-57 sẽ có thể điều khiển máy bay bằng chuyển động mắt hoặc giọng nói. Mặc dù một hệ thống như vậy sẽ rất phức tạp vì đồng tử của con người liên tục di chuyển trong vô thức, nhưng nguyên mẫu này đã tồn tại.
Theo ông Dorofeev, nhiệm vụ hiện tại là dạy cho hệ thống hiểu ngữ cảnh chứ không phải chỉ các cụm từ cụ thể, để trong điều kiện khắc nghiệt “phi công không cần nhớ chính xác cụm từ mà họ phải phát âm”.
Rafael Suleimanove, phi công thử nghiệm của Phòng thiết kế Sukhoi đánh giá, hệ thống hỗ trợ thông minh cho phép Su-57 “thực hiện mọi thứ trên không”.
“Lái Su-57 rất dễ chịu và thoải mái. Nó cho phép phi công thực hiện mọi thứ trên không trung. Những khả năng này, cùng với các vũ khí mạnh mẽ cho phép phi công thực hiện các nhiệm vụ cả trên không và trên mặt đất, trong mọi điều kiện thời tiết, ngày và đêm, ở bất kỳ vĩ độ nào. Tất cả những yếu tố đó khiến Su-57 trở thành một vũ khí mạnh mẽ”, phi công Suleimanove đánh giá.
Ngoài ra, các thế hệ máy bay Sukhoi rất giống nhau. Phi công lái Su-35 cũng có thể dễ dàng lái tiêm kích thế hệ 5.
Động cơ giai đoạn 2
Theo ý tưởng ban đầu, Su-57 được dự kiến trang bị động cơ Izdeliye 30, cho phép nó bay với tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng động cơ đốt sau tốn nhiều nhiên liệu. Tuy nhiên, thực tế Su-57 đã được phát triển và thử nghiệm với động cơ NPO Saturn Product 117, có nguồn gốc từ động cơ phản lực đốt sau AL-41F-1S phát triển cho Su-35.
Izdeliye 30 sẽ cải thiện lực đẩy và hiệu suất nhiên liệu của máy bay chiến đấu Su-57, đồng thời giảm trọng lượng và các yêu cầu bảo dưỡng. Động cơ Izdeliye 30 được thử nghiệm bay lần đầu tiên vào ngày 5/12/2017. Sau đó, động cơ này đã trải qua quá trình bay thử nghiệm chuyên sâu. Tính đến tháng 10/2019, động cơ Izdeliye 30 đã trải qua 16 chuyến bay thử nghiệm trên một máy bay Su-57 cải tiến.
Tháng 12/2019, báo Izvestia của Nga dẫn lời ông Yuri Slyusar, Tổng giám đốc của UAC, cho biết động cơ giai đoạn 2 đang được thử nghiệm chuyên sâu. Động cơ này đã được thử nghiệm bay để kiểm tra vector lực đẩy, trong khi hệ thống dầu của nó đã được thử nghiệm trong các điều kiện bay bất lợi cũng như điều kiện chiến đấu.
Tháng 9/2022, một nhân viên của Phòng thiết kế Sukhoi tiết lộ với TASS rằng, không giống như máy bay chiến đấu thế hệ 4, Su-57 có thể duy trì tốc độ siêu thanh trong hầu hết các nhiệm vụ, ngay cả khi tham chiến.
“Nếu như máy bay thế hệ 4 dành hầu hết thời gian ở tốc độ cận siêu thanh và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cụ thể ở tốc độ siêu thanh, thì Su-57 được thiết kế có hầu hết “vòng đời” ở tốc độ bay siêu thanh”, nhân viên Phòng thiết kế Sukhoi cho hay.
Hoạt động ở Ukraine
Ngày 18/10, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng về việc sử dụng tiêm kích Su-57 trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tướng Sergei Surovikin, tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cho biết: “Xét về khía cạnh hiệu quả chiến đấu, tôi đặc biệt muốn lựa chọn máy bay đa nhiệm thế hệ 5”. Theo ông việc tích hợp được nhiều loại vũ khí có thể giải quyết được nhiều nhiệm vụ cùng lúc, có thể tấn công cả mục tiêu trên không cũng như trên tiêu mặt đất trong mỗi lần xuất kích.
Bình luận của Tướng Surovilin cho thấy Su-57 được sử dụng cả trong vai trò tiêm kích và cường kích và ở cả 2 vai trò này đều phát huy tốt hiệu quả.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 trên kênh Rossiya-1 cho hay tiêm kích tàng hình Su-57 đã thể hiện được “khả năng tự vệ cao trước nhiều hệ thống phòng không và tên lửa đối phương” khi tham chiến tại Ukraine.
“Điều quan trọng nhất là Su-57 có các vũ khí rất mạnh. Chúng tôi đã thử nghiệm những vũ khí đó, tất cả đều hoạt động một cách tuyệt vời, không còn lời nào khác để mô tả”, ông Shoigu nói thêm. Tuy nhiên, ông không nói rõ Su-57 sử dụng các loại vũ khí nào khi tham chiến ở Ukraine và hiệu quả của chúng đến đâu.
Cuối tháng 9, Rostec cho biết, Nga đang tăng tốc sản xuất tiêm kích Su-57. Lô máy bay mới sẽ sớm được chuyển giao cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga.
Giám đốc Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết, Su-57 đang ở trạng thái sẵn sàng cao và các máy bay này sẽ được chuyển cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga trong năm nay./.