Su-75 Checkmate của Nga xuất hiện như một luồng gió mới trên thị trường máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 một động cơ giá rẻ. Tuy nhiên sau giây phút bất ngờ thì các nhà phân tích cũng nhìn vào một thực tế rằng, từ mô hình tới nguyên mẫu đầu tiên sẽ còn một khoảng cách rất dài và người Nga phải bước qua.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của dòng tiêm kích tàng hình này là kinh phí để phát triển. Nếu không có các quốc gia góp vốn thì khả năng thành công của dự án này rất khó. Nga đã từng hy vọng vào UAE, một quốc gia giàu có sẽ sẵn sàng đổ tiền vào dự án này.
Nhưng mới đây, trang tin svpressa.ru đăng bài viết có tiêu đề "Người Ả Rập đã lừa dối người Nga. Tại sao UAE từ bỏ Su-75 Checkmate để mua Rafale của Pháp?".
Hôm 3/12, trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới UAE, một hợp đồng kỷ lục trị giá hơn 19 tỷ USD nhằm cung cấp 80 máy bay chiến đấu Rafale và 12 trực thăng vận tải quân sự Caracal cho UAE đã được ký kết.
Các máy bay chiến đấu Rafale sẽ được tập đoàn Dassault cung cấp cho UAE trong giai đoạn 2027-2031. Chúng sẽ thay thế cho 60 chiếc Mirage 2000 mà UAE đã mua vào năm 1998.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly gọi đây là thỏa thuận "lịch sử". Theo bà Parly, hợp đồng với UAE có giá trị lớn hơn gấp đôi so với bất cứ thỏa thuận xuất khẩu Rafale nào mà Pháp từng đạt được.
Trước đó vào hôm 17/11, ấn phẩm 19fortyfive đã đăng tải thông tin UAE dự định mua tiêm kích F-35 Lightning II từ Mỹ.
Ấn phẩm này nhắc lại rằng cựu Tổng thống Donald Trump từng đồng ý bán một lô F-35 trị giá 6 tỷ USD cho UAE sau khi nước này đồng ý "thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp" với Israel.
Tuy nhiên, sau khi Washington đình chỉ thương vụ trên sau khi cho rằng UAE đang ngày càng thân thiết với Trung Quốc, việc bán khí tài tối tân có thể lọt vào tay Bắc Kinh.
Lúc này quân đội UAE đã bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế cho máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ.
Đã có tin đồn rằng UAE để ý đến Su-75 Checkmate của Nga như một giải pháp hữu hiệu để thay thế. Tại triển lãm hàng không Dubai 2021, mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 5 này đã trở thành tâm điểm chú ý.
Một số nguồn tin còn cho biết UAE và Nga đã cùng hợp tác phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ năm từ năm 2017, và Su-75 Checkmate là kết quả của nỗ lực này.
Sau khi phát triển thành công, Su-75 sẽ được ưu tiên cung cấp cho Không quân UAE ít nhất là trong những lô đầu sản xuất loạt.
Nếu đúng như vậy thì việc UAE thay đổi quyết định như mua chiến đấu cơ Rafale Pháp thay vì đợi Su-75 không khác gì "đem con bỏ chợ".
Với việc thị trường UAE thể bị mất, đồng nghĩa với việc mất đi nguồn kinh phí khổng lồ, tương lai của chương trình máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Nga cho biết, Su-75 Checkmate có đơn giá chỉ 30 triệu USD, tức chỉ bằng 1/3 so với chiến đấu cơ F-35 Mỹ, giới phân tích tỏ ra khá bất ngờ với thông tin này.
Mức giá khoảng gần 30 triệu USD của tiêm kích Checkmate tương đương với dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ giá rẻ phát triển từ MiG-21 là JF-17 Thunder của Trung Quốc.
Thậm chí mức giá của chiến đấu cơ tàng hình mới Checkmate của Nga rẻ đến mức gần tương đương với xe tăng AMX-56 của Pháp vốn có giá 27,5 triệu USD.
Giới phân tích cho rằng sẽ rất khó để đạt được mức giá này dù là trong hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi đi chăng nữa.
Hiện nay giá bán của dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 là MiG-26M2 mới được Nga bán cho Ai Cập đã trị giá vào khoảng 54 triệu USD/chiếc.
Còn chiến đấu cơ thế hệ 4,5 là Su-35 cũng đang có giá vào khoảng 110-115 triệu USD khi đến tay khách hàng.
Vì thế họ đặt câu hỏi, liệu Nga sẽ làm cách nào để giảm giá thành với dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 Chechmate vốn cấu thành bởi nhiều thứ đắt đỏ này?
Khi Nga liệt Su-75 Chechmate vào danh sách chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, đương nhiên dòng chiến đấu cơ này sẽ có tính năng tác chiến đỉnh cao, nhưng đồng nghĩa với đó là các bộ phận cấu thành sẽ vô cùng đắt đỏ.
Động cơ thế hệ mới với lực đẩy mạnh và khả năng bay tuần tiễu siêu âm, radar mảng pha chủ động, vật liệu khung thân tiên tiến và cuối cùng là lớp sơn tàng hình vô cùng đắt đỏ và khó bảo dưỡng. '
Giá thành của Su-75 Chechmate chỉ có thể về mức rẻ nhất như Nga đặt ra nếu số lượng chế tạo cực lớn lên tới hàng chục ngàn chiếc. Nhưng đây sẽ là điều không tưởng cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Trong quá khứ, Nga đã từng có những dòng chiến đấu cơ được sản xuất với số lượng khủng như MiG-17 gần 10.500 chiếc, MiG-21 với gần 11.500 chiếc, nhưng đến các dòng chiến đấu cơ tân tiến thì số lượng sản xuất đã không được như trước. MiG-29 chỉ có khoảng 1.600 chiếc được sản xuất, còn gộp dồn cả Su-27/30/35 thì cũng chỉ rơi vào khảng 1.850 chiếc mà thôi.
Với các bạn hàng truyền thống con số trên dưới 300 chiếc Su-75 Chechmate có thể xuất khẩu là điều có khả năng xảy ra; nhưng để đạt được con số hơn 1.100 chiếc được xuất xưởng tính tới thời điểm hiện tại (2021) như F-35 là rất khó.
Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn đánh giá tích cực về Su-75 Chechmate. Sự xuất hiện của dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ một động cơ thế hệ thứ 5 này sẽ giải tỏa cơn khát chiến đấu cơ hiện đại của không quân các nước.
Trong bối cảnh chiến đấu cơ tàng hình hạng nặng Su-57 hai động cơ quá đắt đỏ và phức tạp trong khai thác sử dụng, thì việc xuất hiện của Chechmate chỉ có một động cơ sẽ là lối thoát được mong đợi.
Về tính năng hoạt động, nhà sản xuất tuyên bố đây là chiếc tiêm kích có khả năng cất và hạ cánh trên đường băng ngắn (STOL) (chứ không phải cất - hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn (VSTOL) như F-35B),
Tầm bay tối đa lên tới 2.993 km, bán kính tác chiến1.500 km và mang theo tải trọng vũ khí khoảng 6.800 kg.
Khung thân máy bay được cho là có thể chịu được lực nén lên tới 8G, kém một chút so với 9G của Su-35S Flanker. Dù vậy đây cũng là điều đáng nể đối với một tiêm kích thế hệ thứ 5 vốn ưu tiên sự tàng hình hơn độ cơ động.
Động cơ dự kiến trang bị cho Su-75 Checkmate vẫn chưa được xác định nhưng nhiều khả năng là loại có lực đẩy từ 14,5 - 16 tấn. Những chiếc ban đầu sẽ phải sử dụng động cơ phản lực cánh quạt AL-41F1 cho tới khi động cơ Izdeliye 30 phát triển thành công.
Đương nhiên động cơ trang bị cho Su75 Checkmate sẽ có vector điều khiển lực đẩy giúp máy bay cơ động hơn trong không chiến cũng như cất cánh đường băn ngắn.
Khoang vũ khí sẽ được thiết kế giấu trong thân máy bay để đảm bảo độ tàng hình. Khoang này có có thể gắn 3 tên lửa không đối không tầm xa và 2 AAM tầm ngắn. Khi không cần tàng hình chủng loại vũ khí mang theo sẽ đa dạng và nhiều hơn.
Su-75 Checkmate dự kiến mất khoảng 2-3 năm để hoàn thiện mẫu thử nghiệm bay đầu tiên, và cũng cần khoảng thời gian tương tự thế để hoàn thiện. Nhà phát triển cho biết Checkmate có thể được sản xuất loạt vào năm 2026 hoặc 2027.
Tuy nhiên đấy là thời gian dự kiến trong điều kiện lý tưởng thuận lợi để phát triển dòng chiến đấu cơ này. Nga không yếu về mặt kỹ thuật, nhưng cái họ thiếu là tiền, mà ngân sách cho phát triển dòng máy bay mới có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ USD, điển hình như F-35.
Việt Hùng