Sự biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21 từ phân tích của các nhà khoa học
Hội thảo khoa học quốc gia 'Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21' nhằm phân tích chuyên sâu về lý luận và thực tiễn của biến đổi gia đình và vấn đề giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21 ở Việt Nam.
Ngày 14/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21". Hội thảo đã nhận được sự quan tâm cùng ý kiến tham luận tâm huyết của nhiều nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý trên cả nước đến từ: Các Viện Nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, Hội Xã hội học Việt Nam, Đại học Đà Lạt, Đại học Công đoàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế...
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên và các nhà quản lý chia sẻ, phân tích, đánh giá và thảo luận, từ đó có thể nhận diện một cách toàn diện về sự biến đổi của gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21, những thành tựu, rào cản và hàm ý chính sách xây dựng gia đình bền vững và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tập trung phân tích, thảo luận 5 nội dung chính gồm:
(1) Biến đổi về cấu trúc gia đình, chức năng gia đình, giá trị gia đình và các mối quan hệ trong gia đình;
(2) Những vấn đề giới trong gia đình, khác biệt giới, hòa nhập xã hội trên cơ sở giới;
(3) Những thách thức đặt ra đối với gia đình và giới trong bối cảnh mới (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh);
(4) Xu hướng biến đổi gia đình và vấn đề giới;
(5) Những giải pháp thúc đẩy phát triển gia đình và giới trong những thập kỷ tới.
Hội thảo được chia thành 2 phiên sáng - chiều với 2 chủ đề: "Biến đổi gia đình trong những thập niên đầu thế kỷ 21" và "Chiều cạnh giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21".
Từ hàng chục tham luận gửi đến Hội thảo, 9 tham luận tiêu biểu đã được lựa chọn trình bày để thảo luận tại Hội thảo quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21", gồm: "Xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới: Một số vấn đề cần quan tâm" của GS.TS Nguyễn Hữu Minh (Hội Xã hội học Việt Nam); "Nghiên cứu chuẩn mực con người gắn với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" của PGS.TS Lê Ngọc Văn (Hội Xã hội học Việt Nam) và TS Bùi Hương Trầm (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); "Sự biến đổi của gia đình và những thách thức đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay" của TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thanh niên); "Biến đổi cấu trúc gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay" của TS Nguyễn Trung Hiếu (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn); "Hòa nhập xã hội trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay" của TS Nguyễn Thị Hà (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và TS Hà Thị Thùy Dương (Học viện Chính trị Khu vực IV); "Bàn về quan hệ giới trong gia đình nông thôn Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21: Thực trạng và triển vọng" của PGS.TS Nguyễn Đức Chiện (Viện Xã hội học); "Đặc điểm của doan nghiệp hộ gia đình do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam hiện nay" của PGS.TS Nguyễn Đức Hữu (Đại học Công đoàn); "Khác biệt giới trong giá trị, chuẩn mực gia đình truyền thống và hiện đại thanh niên mong muốn hướng đến" của TS Dương Thị Thu Hương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền); "Sự khác biệt giới trong quan niệm và thực hành vai trò người con cả trong gia đình nông thôn Viêt Nam" của Th.s Lê Hồng Hải (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới).
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên và các nhà quản lý cùng nhau chia sẻ, trao đổi và thảo luận các kết quả nghiên cứu trên cơ sở bằng chứng khoa học và thực tiễn. Những luận cứ, luận chứng đưa ra tại Hội thảo là cơ sở khoa học góp phần nhận diện những biến đổi của gia đình và giới ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 21, cũng như những vấn đề đặt ra trong chiến lược xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.