Sự 'biến mất' của bốn thành phố cổ và những bài học từ quá khứ
Trong một thế giới liên tục biến đổi với các mối đe dọa biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, xung đột vũ trang… các đô thị ngày nay cần phải làm gì để giữ được sự bền vững?
Trong cuốn Bốn thành phố biến mất, với việc khám phá bốn đô thị bị bỏ hoang trong lịch sử nhân loại bao gồm: Çatalhöyük, Pompeii, Angkor và Cahokia, tác giả Annalee Newitz sẽ cho ta thấy rất nhiều bài học từ trong quá khứ.
Những thành phố 'biến mất'
Bắt đầu bằng Çatalhöyük, thành phố 9.000 năm tuổi hiện nằm ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể nói là thành phố cổ xưa và cũng là “cuộc cách mạng” thật sự, khi đánh dấu sự thay đổi của những bộ lạc du mục với đời định cư lâu dài. Đây cũng là nơi có vai trò quan trọng trong lịch sử, là nơi mà danh tính của loài Homo Sapiens gắn chặt với các địa điểm cố định.
Đi sâu vào các tàn tích bằng phương pháp khảo cổ học văn cảnh, Newitz cùng với các nhà khoa học đã khám phá ra kiến trúc tổ ong có phần quy chuẩn của đô thị này. Theo đó, mỗi một ngôi nhà đều được xây dựng bên trong tổ ong, áp sát vào nhau và không có đường ngăn giữa các đơn vị. Chúng xây cách mặt đất ít nhất một tầng, và có các lối đi băng qua mái nhà với các cầu thang vô cùng sơ khai.
Về sự biến mất của thành phố này, Newitz đã cho thấy rằng tồn tại một sự chuyển đổi văn hóa từ hai bờ sông Carsambra. Chịu sự ảnh hưởng của cuộc biến đổi khí hậu và chế độ quân bình không còn phù hợp, các khu phức hợp tổ ong phía đông East Mound đã sớm biến mất, chuyển sang West Mound với các đô thị không còn theo chuẩn và có kích thước đa dạng với vườn to hơn.
Ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Newitz cũng lần về với Pompeii – thành phố đã bị chôn vùi dưới lớp nham tầng nhiều năm về trước. Nói về quy hoạch, địa điểm này ngay từ rất sớm thì cuộc cách mạng bán lẻ đã kịp hình thành. Với sự trỗi dậy của các cơ sở kinh doanh như những taberna (quán rượu), nhà chứa, nhà thổ… được đặt ở các tầng trệt, giao cho nô lệ cai quản, thì Pompeii chính là chỉ dấu đầu tiên cho một không gian công cộng được sử dụng chung.
Trong bốn thành phố thì đây là nơi mà sự biến mất dễ dàng giải thích nhất. Thay vào đó Newitz đã tìm lý do vì sao các Vua La Mã không phục dựng lại, và các nguyên nhân có thể kể đến là trong giai đoạn này triều đình đương thời đang cho xây dựng đấu trường La Mã và tập trung hết của cải vào nó. Ngoài ra những lớp nham tầng dày và siêu nóng, sự ô nhiễm môi trường xung quanh, cũng như tình hình đất nước không quá yên ổn… đã không cho cơ hội phục dựng nơi đây.
Chuyển sang Đông Nam Á với Angkor từng là thành phố lớn nhất với hơn 1 triệu cư dân, bằng công nghệ lidar tái hiện thành phố mục nát với địa mạo nhân tạo, những lớp bí ẩn đã được Newitz cùng nhiều nhà khoa học vén lên.
Theo đó, bằng chế độ gán nợ khnum (tương tự nô lệ ở Pompeii) mà các siêu công trình như hồ chứa nước nước Đông và Tây Baram, các quần thể đền đài… đã được xây dựng. Angkor có cả hai kiểu quy hoạch: tập trung do giới quyền lực chỉ định, và cả tự phát – do những cư dân từ phương xa đến và rồi ở lại.
Do đó nguyên nhân Angkor biến mất có thể lý giải là bởi tình hình chính trị và các xung đột giai tầng vô cùng phức tạp, khi để xây dựng hệ thống đền chính nhiều ngôi nhà của các cư dân đã bị san phẳng. Thêm vào đó một cuộc khủng hoảng khí hậu với hạn hán đã khiến nơi này xây thêm nhiều kênh dẫn nước, do đó khi mùa mưa về thì đây cũng là nguồn gốc nhấn chìm cả một đô thị.
Với sự bạo tàn của giới chóp bu qua nhiều cuộc hiến tế người, Newitz cũng cho thấy rằng Cahokia cũng có nguyên nhân sụp đổ tương tự Angkor. Được truyền cảm hứng từ những tổ tiên da đỏ bản địa, trên nền văn hóa của sông Mississippi, kết cấu đô thị của Cahokia có phần tương tự Pompeii khi dùng nhiều khoảng không gian dành cho công cộng. Newitz khẳng định đây là vùng đất coi trọng tôn giáo hơn là thương mại, họ có chế độ hỗn hợp vừa toàn trị, vừa dân chủ, và do đó thu hút được một lượng lớn cư dân đến ở.
Những kiến giải mới
Nói về sự biến mất của bốn thành phố, Newitz không chỉ đơn thuần tìm lại rất nhiều nguyên nhân, mà thông qua đó bà cũng giải đáp rất nhiều kiến giải còn nặng định kiến như thượng tôn da trắng, coi thường sắc tộc, phân biệt giới tính… Newitz với những góc nhìn mới lạ đã mở ra các phát kiến mới rất cần suy xét.
Đầu tiên là phản ứng lại định nghĩa về các thành phố mà nhà nhân chủng học V. Gordon Childe đã từng đưa ra vào năm 1950. Theo đó Childe đã lập luận rằng, để trở thành một thành phố thì “một khu định cư phải có mật độ dân số cao, kiến trúc đồ sộ, nghệ thuật mang tính biểu tượng, sự chuyên môn hóa, tiền tệ, thuế, chữ viết, giao thương phát triển, hàng hóa thặng dư và hệ thống phân cấp xã hội phức tạp”.
Tuy thế Newitz đã phản biện rằng Çatalhöyük không hề có hệ thống tiền tệ, chữ viết, cũng như những công trình tưởng niệm từng được ghi nhận. Còn với Cahokia, nơi đây là thành phố đậm tính tâm linh, nên không thể nói có sự phát triển về mặt giao thương. Thế nhưng tất cả đều có mật độ dân số đông đúc cũng như có nền văn hóa phát triển, từ đó các khái niệm về thành phố, đô thị… cần được mở rộng ra hơn, suy xét nhiều hơn.
Là tác giả nữ, Newitz cũng nói sâu hơn về vai trò của người phụ nữ thường bị đàn ông che lấp trong những nghiên cứu. Bà khẳng định phụ nữ đã giúp định hình nên một Pompeii văn minh, phát triển và rất hiện đại. Họ chính là những doanh nhân và người bảo trợ cho các hệ thống tôn giáo quyền lực. Tuy thế ta cũng không nên “quyền lực hóa” họ, dù cho có nhiều bức tượng được cho là đặc tả “nữ hoàng sinh sản” đã được tìm thấy ở Çatalhöyük.
Trong khi nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng như James Mellaart cho rằng cũng giống như nhiều xã hội tiền Thiên chúa giáo tôn thờ một Nữ thần Mẹ, thì Newitz cho rằng chuyện không phải thế. Bởi vì số lượng “con dấu” khắc họa những người phụ nữ không chiếm đa số so với con vật và các bộ phận cơ thể… do đó nó có thể là những công cụ khác, mà không đại diện cho một chế độ hay hình mẫu nào.
Khi con người quay lưng lại với thành phố, thì những bức tường, các quảng trường cũng như hồ chứa nước sẽ liền mục nát và cạn đến đáy.
Nói về vai trò của sự “sụp đổ”, Newitz cũng cho thấy rằng sự sụp đổ của một thành phố không kéo theo sự sụp đổ của nền văn hóa đã tạo nên nó. Điều đó dễ thấy là bởi khi một thành phố đã bị bỏ rơi (như Pompeii, Çatalhöyük) hay quên lãng (như Angkor)… thì những cư dân sẽ như “bồ công anh”, phát tán hạt giống văn hóa ở xung quanh đó. Và mặc dù nguyên nhân biến mất của nhiều thành phố là khác hẳn nhau, nhưng có thể khẳng định rằng khi con người quay lưng lại với thành phố, thì những bức tường, các quảng trường cũng như hồ chứa nước sẽ liền mục nát và cạn đến đáy.
Do đó nhìn lại Çatalhöyük, Pompeii, Angkor và Cahokia, thật sự không khó để phát hiện ra rằng để một thành phố trụ vững thì nó cần phải có “cơ sở hạ tầng sử dụng được trong thời gian dài như hồ chứa nước và đường sá tốt, quảng trường công cộng cho mọi tầng lớp, không gian trong nhà cho mọi người, sự di động xã hội và sự dịch chuyển của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong hệ thống phân cấp”.
Và cũng khác với "thuyết môi trường quyết định” của tác giả nổi tiếng Jared Diamond, sự sụp đổ cũng như chuyển đổi đô thị luôn luôn có nhiều nguyên nhân, thế nhưng một khi hiểu được những thất bại, thì chúng ta cũng sẽ đồng thời học được cách thức làm cho mọi thứ trở nên thật đúng đắn hơn.