Sự biến mất của con tàu định mệnh
Gần một tháng sau khi tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích trên biển Nam Đại Tây Dương, hy vọng của người thân những thủy thủ gần như đã không còn. Mới đây, hải quân Argentina tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm 44 thủy thủ mất tích, chuyển sang tập trung tìm kiếm xác tàu ngầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad thừa nhận, sau 20 ngày mất liên lạc trong điều kiện khắc nghiệt tại vùng biển nơi con tàu biến mất, sự sống là điều rất khó duy trì. Nguyên nhân chính của việc dừng cứu hộ là giới chức Argentina đến nay vẫn không xác định được vị trí tàu ngầm. Tuy nhiên, Người phát ngôn hải quân Argentina nhấn mạnh, mặc dù không thể biết được số phận thủy thủ đoàn, song, lực lượng chức năng sẽ vẫn tìm kiếm các mảnh vỡ để có câu trả lời cho sự biến mất bí ẩn của con tàu định mệnh.
Tàu ngầm ARA San Juan bị mất liên lạc từ ngày 15-11 vừa qua khi đang trên hành trình đến khu vực Ushuaia gần điểm cực Nam của Nam Mỹ. Con tàu được lệnh cắt ngắn lộ trình để trở lại căn cứ Hải quân Mar del Plata ngay lập tức. Trước đó, tàu đã phát tín hiệu lần cuối tại vịnh San Jorge, cách bờ biển Argentina 432km, thông báo về việc nước biển tràn vào hệ thống thông hơi trong lúc biển động mạnh, dẫn tới sự cố đoản mạch ở một ắc quy và gây cháy.
Đài Phát thanh Todo Noticias trích dẫn dữ liệu được công bố bởi Công ty Dịch vụ vệ tinh Tesacom cho biết, tàu ngầm ARA San Juan đã gọi về cảng nhà tổng cộng 8 lần trước khi mất liên lạc. Tuy nhiên, các thủy thủ thông báo đã khống chế được sự cố và tiếp tục hành trình. Kể từ khi đó, tàu ARA San Juan với 44 thủy thủ đã mất tích trên biển. Thông tin về vụ việc được công bố chính thức vào ngày 17-11, sau khi Hải quân Argentina không nhận được thông tin nào của tàu trong suốt 48 giờ.
Theo điều tra của cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), 3 giờ sau khi tàu ARA San Juan báo cáo thông tin lần cuối với đài chỉ huy, một vụ nổ lớn đã xảy ra chỉ cách điểm tàu đã liên lạc 27km. Các chuyên gia cho rằng, vụ nổ có thể liên quan đến con tàu mất tích và nếu đúng vậy thì nguyên nhân là do khí hydro tích tụ sau sự cố chập ắc quy. Chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ quy mô lớn với sự giúp đỡ của 18 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Pháp, với 4.000 người và 30 máy bay, tàu thuyền các loại đã diễn ra song không đem lại kết quả.
Hy vọng sống sót của 44 thủy thủ trên tàu đã tắt ngấm bởi lượng dưỡng khí dự trữ trên tàu chỉ đủ cho 10 ngày. Sau khi Hải quân Argentina thông báo ngừng chiến dịch cứu hộ và chính thức công bố gián tiếp việc 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan đã hy sinh, gia đình các thủy thủ và những người ủng hộ đã tuần hành, đề nghị hải quân tiếp tục chiến dịch tìm kiếm.
Tàu ARA San Juan là tàu ngầm mới nhất trong 3 tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu từ năm 1985 và đã được nâng cấp ít năm trước.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Ho-so/885130/su-bien-mat-cua-con-tau-dinh-menh