Sự bùng nổ năng lượng sạch của Trung Quốc và ý nghĩa đối với nỗ lực khí hậu toàn cầu
Năm nay, Trung Quốc đã xây dựng năng lượng tái tạo với tốc độ thực sự đáng kinh ngạc. Sự tăng trưởng trong sản xuất năng lượng sạch sẽ làm giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và có thể đưa quốc gia này bước vào con đường giảm phát thải kéo dài.
Dẫn đầu thế giới về điện gió
Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm 27% lượng khí thải CO2 của thế giới và 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Song, quốc gia này cũng là nhà sản xuất tấm pin mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới. Riêng lĩnh vực sản xuất điện gió, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm gần 60% công suất lắp đặt trên toàn cầu vào năm ngoái, cũng như chiếm thị phần ngày càng lớn ở tấm pin mặt trời. Công ty Goldwin của Trung Quốc chiếm 13% thị phần điện gió của thế giới.
Trong số 15 công ty hàng đầu thế giới về điện gió, Trung Quốc có 10 công ty, chiếm hơn 56% thị phần lắp đặt điện gió của toàn thế giới, tăng vọt so với 37% cách đây 5 năm. Trong khi đó thị phần của các công ty châu Âu từ 55% giảm còn 42%.
Năng lượng tái tạo hiện đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của Trung Quốc, động lực tăng trưởng mới được chính quyền đầu tư mạnh mẽ với nhiều ưu đãi. Hơn nữa, quốc gia này đang thúc đẩy phát triển nhiều dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với quy mô khủng trên các sa mạc. Trong nước, Trung Quốc đang lắp đặt năng lượng xanh với tốc độ mà thế giới chưa từng thấy. Chỉ riêng trong năm nay, quốc gia này đã xây dựng đủ công suất năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân để đáp ứng toàn bộ lượng điện tiêu thụ của Pháp.
Với tốc độ này, vào năm 2024, thế giới có thể chứng kiến lần đầu tiên lượng khí thải từ ngành điện của quốc gia khổng lồ về dân số này sẽ giảm xuống. Lần đầu tiên Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 thế giới về điện gió, vượt qua châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, thị phần của Trung Quốc tại châu Âu về điện gió sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Các dự án nổi bật
Năm 2007, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về khí hậu, kêu gọi các giải pháp công nghệ cho vấn đề khí hậu. 15 năm sau, quốc gia này dẫn đầu về mọi hạng mục phát thải carbon dioxide thấp. Tổng công suất tái tạo được lắp đặt của nước này đáng kinh ngạc, chiếm 1/3 tổng công suất của thế giới và nước này đang dẫn đầu về sản xuất và bán xe điện. Năm 2023, các nguồn carbon dioxide thấp như thủy điện, gió, mặt trời, năng lượng sinh học và hạt nhân chiếm hơn 53% công suất phát điện của Trung Quốc.
Thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc và việc triển khai năng lượng gió và mặt trời trên quy mô lớn góp phần rất lớn vào việc giảm mạnh chi phí tái tạo. Chi phí giảm dần đồng nghĩa với việc năng lượng xanh trở nên khả thi đối với các nước đang phát triển.
Năm 2012, một nhóm lớn từ Tập đoàn Đầu tư Điện lực Trung Quốc đã đến vùng sa mạc cao ở tỉnh Thanh Hải và bắt đầu xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời trị giá 15,7GW trên diện tích 345km2. Chính tại đây, Trung Quốc lần đầu tiên tìm ra cách làm cho nguồn điện không liên tục trở nên đáng tin cậy hơn. Nguồn điện dư thừa được đưa đến một trạm thủy điện cách đó 40km và dùng để bơm nước lên dốc, vào ban đêm, nước sẽ chảy ngược qua các tuabin. Các công nghệ được phát triển ở đây hiện đang được sử dụng trong các dự án lai quy mô lớn khác, chẳng hạn như các dự án thủy điện - năng lượng mặt trời, gió - mặt trời và gió - mặt trời - thủy điện.
Vào năm 2022, Chính phủ đã công bố kế hoạch lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời, gió trên bờ và ngoài khơi trị giá 500GW ở sa mạc Gobi trên khắp các tỉnh Tân Cương, Nội Mông và Cam Túc. Dự án điện sạch không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần kiểm soát sa mạc hóa. Các tấm pin mặt trời có thể chắn gió và ngăn cát dịch chuyển một cách hiệu quả, đồng thời chúng cũng cho bóng râm, tạo điều kiện để thảm thực vật phát triển.
Việc tập trung vào công nghệ đã mang lại cho Trung Quốc các trang trại năng lượng mặt trời và muối kết hợp, các nhà máy điện mặt trời nổi và kho lưu trữ năng lượng, từ pin, khí nén đến bánh đà động học và hydro. Hiện nay, Trung Quốc đã sở hữu nhiều công nghệ năng lượng sạch tiên tiến, trong khi đó Mỹ vẫn đang cố gắng bắt kịp khoản chi tiêu "xanh" khổng lồ trong Đạo luật Giảm lạm phát vào năm ngoái.
Thách thức và kỳ vọng quốc tế
Trong nỗ lực phối hợp với Mỹ về vấn đề khí hậu, vào hồi giữa tháng 11, Trung Quốc và Mỹ đã ra tuyên bố chung về hợp tác khí hậu. Theo đó, hai nước đã nhất trí hợp tác cùng nhau cũng như phối hợp với các bên khác nhằm nâng cao nhận thức về một trong những thách thức lớn nhất của thời đại đối với thế hệ hiện nay và tương lai. Đồng thời tái khởi động các cuộc đối thoại song phương về chính sách và chiến lược năng lượng, cũng như tập trung hơn vào các giải pháp giảm khí thải carbon và tiết kiệm năng lượng. Tuyên bố cũng nêu rõ sự ủng hộ chung cho việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, giải quyết ô nhiễm khí methan (CH4) và nhựa, đồng thời chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, trong một sự kiện bên lề COP28, Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc ông Giải Chấn Hoa cho biết, vào năm 2025, Trung Quốc công bố Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho năm 2030 và năm 2035. Hiện tại, Trung Quốc đặt mục tiêu có mức phát thải CO2 đạt đỉnh trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.
Những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp cụ thể, chẳng hạn như làm giảm hơn 65% cường độ phát thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, hay tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch nâng công suất lắp đặt năng lượng gió và mặt trời lên hơn 1.200GW vào năm 2030. Tại COP28, phái đoàn Trung Quốc bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong những ngành năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế phát triển đang kêu gọi Trung Quốc xây dựng và tích hợp kế hoạch giảm sản xuất năng lượng từ than đá thô vào mục tiêu năm 2030 hoặc 2035. Họ kỳ vọng, Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều hơn cho quỹ khí hậu và cải cách thị trường carbon dioxide của nước này thành một hệ thống chặt chẽ hơn với mức trần tuyệt đối và giá cao hơn.
Có thể nói, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm cường độ phát thải khí CO2 như giảm 51% so với mức của năm 2005. Ngoài ra, hơn một nửa tỷ trọng năng lượng của đất nước hiện đến từ những nguồn không hóa thạch. Tuy nhiên, công suất phát điện nhiệt than tăng gần gấp đôi trong một năm, đạt 9GW trong quý III. Trong khi đó, công suất điện mặt trời tăng 24,3GW, công suất gió tăng 10,5GW và thủy điện tăng 2,5GW.
Nhìn chung, các mục tiêu khí hậu năm 2030 và 2035 của Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với quốc gia này mà còn đối với nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Nếu Trung Quốc có thể tìm được điểm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và trách nhiệm môi trường, sẽ có tác động đáng kể đến động lực khí hậu toàn cầu.