Sự cẩu thả của Trung Quốc khiến tên lửa Trường Chinh 5B mất kiểm soát?
Dù khiến giới khoa học lo lắng, Trung Quốc vẫn chưa có phát ngôn liên quan đến việc tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) bị mất kiểm soát ngoài quỹ đạo.
Ngày 28/4, tên lửa Long March 5B được phóng để đưa module Tianhe (Thiên Hà) lên trạm vũ trụ do Trung Quốc phát triển. Tuy nhiên, thay vì rơi xuống biển theo tính toán, Long March 5B đang bay quanh Trái Đất và mất kiểm soát.
Theo Inverse, tên lửa nặng 22,5 tấn của Trung Quốc nhiều khả năng đáp xuống Trái Đất một cách không kiểm soát trong vài ngày tới. Đây sẽ là một trong những tàu vũ trụ lớn nhất rơi tự do xuống Trái Đất.
Dù được cảnh báo, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) vẫn chưa lên tiếng về việc tên lửa của họ sắp rơi tự do xuống Trái Đất. Điều này khiến một số người trong giới thiên văn không hài lòng.
“Họ cố tình không quan tâm, để nó (tên lửa - PV) cứ đáp xuống... Là một nhà vật lý, tôi muốn đong đếm mọi thứ”, Jonathan McDowell, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) nhận định.
Rất khó để dự đoán thời gian, vị trí rơi của Long March 5B. Dù các mảnh vỡ có thể đáp xuống đại dương (bao phủ 70% diện tích Trái Đất), quỹ đạo thất thường có thể khiến nó rơi xuống các khu dân cư bao gồm New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha), một phần Chile và New Zealand.
Theo McDowell, việc này có thể phòng tránh ngay từ đầu. Các tên lửa thường tuân thủ một trong 2 quy trình thiết kế tiêu chuẩn, gồm bộ phận đẩy nhằm hướng tên lửa vào điểm hạ cánh an toàn dưới nước, hoặc trang bị hệ thống ổn định, động cơ tái khởi động để giảm tốc độ, xoay hướng giúp chúng đáp xuống đại dương.
McDowell cho rằng tên lửa Long March 5B của Trung Quốc không được trang bị một trong 2 hệ thống trên. “Do đó, nó chỉ quay về Trái Đất một cách không kiểm soát, điều bất thường với những tên lửa hiện nay”, ông cho biết.
Dù không có quy định toàn cầu về việc thiết kế những hệ thống trên, các cơ quan vũ trụ trên thế giới vẫn thường tham khảo và áp dụng.
Tháng 1/1978, một vệ tinh Liên Xô chạy năng lượng hạt nhân đã vô tình đáp xuống phía bắc Canada. Chiến dịch dọn dẹp Morning Light được khởi động để tìm kiếm mảnh phóng xạ của tên lửa.
Theo Công ước năm 1972 về trách nhiệm quốc tế với thiệt hại do vật thể không gian, Liên Xô đã bồi thường 3 triệu USD cho chính phủ Canada. Tuy nhiên đến nay, không có quy ước quốc tế về việc ngăn mảnh vỡ tên lửa rơi xuống khu dân cư ngay từ đầu.
Đây không phải lần đầu CNSA gặp vấn đề với vật thể đáp xuống Trái Đất từ không gian. Năm 2018, trạm vũ trụ Tiangong-1 đã rơi tự do xuống Thái Bình Dương, giữa Australia và Chile. Tháng 5/2020, một tên lửa Long March 5B khác đã nổ tung khi bay vào khí quyển Trái Đất, mảnh vỡ của nó rơi xuống 2 ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, gây thiệt hại các cơ sở kinh doanh và nhà ở.
Khi giới khoa học cảnh báo các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc có thể rơi xuống khu dân cư, một số người cho rằng cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn về việc sản xuất tên lửa, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thúc đẩy chương trình không gian.
“Tôi nghĩ chúng ta cần đưa ra quy ước quốc tế. Tôi cũng không muốn thấy nhiều sự cố như vậy, do đa số quốc gia đã tính đến trường hợp (rơi không kiểm soát) khi thiết kế tên lửa”, McDowell cho rằng Trung Quốc đã không làm tốt trong việc thiết kế Long March 5B.