Sự chia rẽ trong thế giới xa xỉ khi hàng hiệu secondhand bùng nổ

Cơn bùng nổ của thị trường túi xách, thời trang, trang sức cao cấp đã qua sử dụng (secondhand) đang đặt ra một tình thế khó khăn cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới: Tham gia hay bỏ qua?. Hermès International, LVMH và Chanel quyết đứng ngoài thị trường này, nhưng Kering (sở hữu thương hiệu Gucci), Burberry và Stella McCartney đã nhập cuộc để nắm bắt cơ hội kinh doanh béo bở.

Julie Wainwright, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành RealReal, nền tảng bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng lớn nhất thế giới hiện nay, với hơn 24 triệu thành viên. Ảnh: Forbes

Julie Wainwright, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành RealReal, nền tảng bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng lớn nhất thế giới hiện nay, với hơn 24 triệu thành viên. Ảnh: Forbes

Hoạt động kinh doanh đồ xa xỉ đã qua sử dụng không phải là là câu chuyện mới, nhưng mức độ phổ biến đang tăng lên nhanh chóng. Sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ danh tiếng như Chanel tăng giá chóng mặt đang khiến nhiều khách hàng quyết định tìm kiếm những món đồ cao cấp đã qua sử dụng, có giá bán rẻ hơn nhiều.

Theo Bain & Co., doanh số hàng xa xỉ đã qua sử dụng đã tăng 65% trong năm ngoái so với năm 2017, cao hơn hẳn so với với mức tăng 12% của doanh số bán hàng xa xỉ mới,

Bain & Co. dự báo trong 5 năm tới, doanh số hàng xa xỉ secondhand sẽ tăng trưởng gấp đôi tốc độ của doanh số bán hàng xa xỉ mới.

Đối với các thương hiệu cao cấp lớn, xu hướng này đe dọa gặm nhấm doanh số sản phẩm mới hoặc ảnh hưởng đến mức định giá của chúng. Các hãng xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới như Hermès International, LVMH và Chanel cho biết họ không quan tâm đến việc bán lại sản phẩm của mình.

Nhưng các đối thủ khác bao gồm Kering, Burberry và Stella McCartney lại xem đó là cơ hội và bắt đầu gia nhập vào thị trường đồ cũ. Trong một số trường hợp, họ đề nghị mua lại những món đồ cũ từ khách hàng và tự bán lại hàng hóa đó hoặc chuyển chúng đến các nền tảng bán thời trang cũ trực tuyến khác để bán và hưởng hoa hồng.

Rachelle Kebaili, 48 tuổi, chủ sở hữu một doanh nghiệp bán sách qua kênh thương mại điện tử ở bang Maryland (Mỹ), cho biết gần đây, cô đã tìm thấy một chiếc túi xách Gucci cổ điển với giá khoảng 250 đô la trên nền tảng bán lại đồ cũ Vestiaire Collective. Trong khi đó, một chiếc túi Gucci mới thường có giá khoảng 2.000 đô la.

“Tôi thích có những thứ mà nhiều người khác không có. Và ai lại không muốn mua chúng với giá tốt?”, cô nói.

Chuyên gia của RealReal thẩm định các món trang sức xa xỉ đã qua sử dụng. Ảnh: Fox Business

Chuyên gia của RealReal thẩm định các món trang sức xa xỉ đã qua sử dụng. Ảnh: Fox Business

Các nền tảng như RealReal (Mỹ) và Vestiaire Collective (Pháp) đã nổi lên trong những năm gần đây như những chợ trực tuyến được yêu chuộng đối với các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng. Kering đã hợp tác với RealReal vào năm 2020 để bắt đầu bán các sản phẩm Gucci đã qua sử dụng trên nền tảng này. Năm ngoái, Kering cũng mua khoảng 5% cổ phần của Vestiaire Collective.

Các đối thủ nặng ký khác trong ngành không ủng hộ xu hướng này. Một số lãnh đạo ngành hàng xa xỉ cho biết việc thúc đẩy bán hàng cũ đe dọa đến tỷ suất lợi nhuận cao từ hoạt động bán hàng mới mà phần lớn ngành đang phụ thuộc.

“Đây không phải là điều mà Hermès khuyến khích” Axel Dumas, Giám đốc điều hành Hermès, nhà sản xuất túi xách Birkin nói khi được hỏi về sự trỗi dậy của thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng.

Ông cho rằng kinh doanh thêm đồ cũ sẽ “gây bất lợi cho những khách hàng bình thường ở cửa hàng của chúng tôi”.

Đầu năm nay, Chanel cho biết có thể giới hạn số lượng sản phẩm mới mà khách hàng cá nhân có thể mua. Thương hiệu này trích dẫn thực tế ngày càng phổ biến là các cá nhân mua hàng với số lượng lớn và bán lại chúng. Trong một số trường hợp, những túi xách Chanel và Hermès được yêu thích nhất, dù là hàng cũ, có giá bán đắt hơn giá niêm yết tại cửa hàng vì nhu cầu cao và thiếu nguồn cung.

Thông thường, hàng xa xỉ có thể được bán lại với giá 3/4 giá gốc miễn là chúng còn tương đối mới. Giá hàng xa xỉ cũ có thể rất khác nhau tùy thuộc vào mặt hàng.

Hầu hết các giao dịch hàng xa xỉ đã qua sử dụng liên quan đến các cá nhân sử dụng nền tảng bán lại trực tuyến. Chúng diễn ra mà không có sự tham gia của các nhà sản xuất hàng xa xỉ. Nhưng các hãng xa xỉ đang thử nghiệm nhiều cách để có được một phần doanh số bán hàng đó.

Chẳng hạn, thương hiệu thời trang Alexander McQueen của Kering ở Anh đề nghị mua lại sản phẩm của thương hiệu này trực tiếp từ khách hàng và sau đó bán lại chúng trên Vestiaire Collective với nhãn dán “đã được thương hiệu phê duyệt”, để chứng minh Alexander McQueen đã thẩm định đây là hàng chính hãng.

Burberry và Stella McCartney cũng có những giao dịch tương tự với RealReal.

Max Bittner, Giám đốc điều hành Vestiaire Collective, cho biết một số thương hiệu không muốn làm việc với các nền tảng trực tuyến như Vestiaire Collective vì họ muốn giữ quyền kiểm soát sản phẩm của mình và không muốn chia sẻ doanh thu. Ông nói: “Họ muốn tự mình bán hàng cũ nhưng chúng tôi không nghĩ họ có thể làm được”.

Ông cho biết hàng xa xỉ secondhand ngày càng trở nên được yêu chuộng, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ tuổi, một phần vì trong nhiều trường hợp, chúng mang lại cơ hội mua với giá thấp hơn các sản phẩm tương tự và ít làm ảnh hưởng đến môi trường.

Giá hàng hóa xa xỉ mới tăng vọt cũng đang thúc đẩy doanh số hàng cũ. Rati Sahi Levesque, đồng giám đốc điều hành của RealReal cho biết, một số người tiêu dùng mua hàng xa xỉ với ý định sử dụng chúng một thời gian, sau đó bán lại để thu lại phần lớn chi phí đã bỏ ra.

Levesque nói: “Những người đó sẽ nói rằng: Tôi có thể mua và trải nghiệm món đồ này, rồi kiếm lại 70-80% khi làm xong việc đó”.

Chuyên gia tư vấn thời trang người Ý, Cecilia De Fano cho biết nhu cầu hàng xa xỉ secondhand đang tăng mạnh ở những phụ nữ châu Âu giàu có, những người trước đây chỉ mua đồ mới.

“Giá hàng mới ở trong các cửa hàng hiện nay ở mức cao điên rồ”, cô nói.

De Fano, người giúp khách hàng mua và bán các sản phẩm cổ điển với mức hoa hồng 10%, muốn tìm nguồn hàng thông qua mạng lưới khách hàng cá nhân và cửa hàng cũng như nền tảng trực tuyến, chủ yếu là trên Vestiaire Collective. Cô nói Farfetch, nổi tiếng là chợ trực tuyến cho các sản phẩm xa xỉ mới nhưng cũng có một kênh bán dành cho hàng xa xỉ secondhand, cũng là một nguồn hữu ích khác. Cô cho rằng việc tìm mua đồ xa xỉ cũ có chất lượng đang dễ dàng hơn vì thị trường đã phát triển rất nhiều. Nhưng các giao dịch với giá hời trở nên khó tìm hơn vì người mua và người bán đã trở nên sành sỏi khi thị trường mở rộng.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/su-chia-re-trong-the-gioi-xa-xi-khi-hang-hieu-secondhand-bung-no/