Sự chủ động từ các hộ chăn nuôi

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại một số địa phương trong nước và đang có diễn biến phức tạp. Tại Lào Cai, vào tháng 8/2018, dịch cúm đã xảy tại huyện Bảo Thắng, làm 4.300 con gia cầm mắc bệnh chết và phải tiêu hủy.

Phòng, chống dịch cúm gia cầm:

Vào tháng 8/2018, gia đình chị Phạm Thị Lý, ở thôn Chính Tiến, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) có hơn 1.000 con gia cầm bị chết. Kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy đàn gia cầm của gia đình chị dương tính với vi-rút cúm A/H5N6. Chị Lý ngậm ngùi: Khi đó gia đình tôi nuôi 700 con ngan, 300 con vịt, do chủ quan nên tôi không tiêm vắc-xin phòng cúm cho đàn gia cầm. Đến khi chuẩn bị được xuất bán thì đàn ngan, vịt lăn chết, trọng lượng mỗi con khoảng 2,3 - 3,7 kg, thiệt hại hơn 130 triệu đồng.

Sau đó 4 tháng, chị Lý mới tái đàn và lần này rút kinh nghiệm, chị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã.

Công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm được chú trọng.

Công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm được chú trọng.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 11 tỉnh, thành phố. Dự báo từ nay đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thời tiết thay đổi sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan; các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc tăng cao, nhất là các tháng giáp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y cũng khiến dễ phát sinh dịch bệnh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ đàn gia cầm.

Với hơn 4.000 con gà/lứa, gia đình ông Nguyễn Văn Tiên (cùng thôn Chính Tiến) là hộ chăn nuôi gia cầm lớn nhất xã Gia Phú. Những ngày này, ông Tiên chủ động theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để nắm thông tin về diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N6 trong và ngoài tỉnh. Không lo lắng “suông”, ông triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa dịch cúm. Ông Tiên cho biết: Tôi chọn mua gà giống từ cơ sở sản xuất có uy tín, được đóng dấu kiểm dịch. Với các loại thuốc phòng bệnh cho đàn gia cầm được tiêm và cho uống định kỳ, tôi đều sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Ngoài ra, tôi thường xuyên vệ sinh, rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng chuồng, cho gà uống nước sạch, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gà.

Là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh, huyện Bảo Thắng hiện có hơn 300 hộ chăn nuôi gia cầm với tổng đàn hơn 25.000 con. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết, huyện sớm ban hành kế hoạch đến các xã, thị trấn, phân vùng nguy cơ đối với các xã, thị trấn, ổ dịch cũ để xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, tiêm vắc-xin phòng bệnh phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế ở cơ sở. Đồng thời, huyện tổ chức cho tất cả các hộ chăn nuôi ký cam kết trong việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và thực hiện chăn nuôi an toàn, hộ nào vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và không được nhận hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra.

Không chỉ Bảo Thắng mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp ngăn ngừa bệnh cúm gia cầm xâm nhập địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Chăn nuôi trên địa bàn huyện đa số vẫn ở quy mô nhỏ lẻ và tâm lý người chăn nuôi chủ quan, công tác phòng bệnh đôi khi chưa được chú trọng. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành văn bản, huyện cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngày 24/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 169 về phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 và văn bản số 3256 ngày 19/7/2019 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngăn chặn nhập lậu gia cầm vào địa bàn tỉnh. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo và xử lý dịch dứt điểm khi mới phát sinh. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin cúm gia cầm, nhất là khu vực ổ dịch cũ, hộ chăn nuôi số lượng lớn; thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh…

Ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà trong năm kết hợp tiêm phòng bổ sung hằng tháng vắc-xin cúm gia cầm. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng trong khâu phòng bệnh nên các địa phương, các ngành cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã gây tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi, nhiều hộ chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm để bù lại tổn thất từ nuôi lợn. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, để dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt hại chồng chất.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/su-chu-dong-tu-cac-ho-chan-nuoi-z3n20190911092106614.htm