Sự chuyển đổi của các doanh nghiệp và yêu cầu với người lao động trong và sau khủng hoảng
Đại dịch toàn cầu do virus Covid-19 gây ra vô cùng bất ngờ, nếu không muốn nói là quá đột ngột đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bạn chúng tôi làm cho hãng hàng không, làm cho công ty du lịch hay trong ngành F&B (Food and Beverage Service) ban đầu dự đoán hết tháng 3, dần dần mọi việc sẽ đi vào ổn định & chấm dứt dịch bệnh. Nhưng đến hôm nay, không ai biết tình trạng khủng hoảng này sẽ còn kéo dài bao lâu.
Theo các chuyên gia kinh tế thế giới thì 5 ngành chịu tác động năng nề nhất là: hàng không, du lịch – lữ hành, dịch vụ ăn uống, bán lẻ & giao thông vận tải.
Ảnh hưởng từ đại dịch, mọi doanh nghiệp, từ lớn đến bé, đều phải tính đến việc cắt giảm ngân sách/chi phí, điều chỉnh hoạt động của mình. Với người lao động việc này kéo theo sự giảm sút nguồn thu nhập, thậm chí thất nghiệp, buộc phải thắt chặt chi tiêu. Với doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng đặc thù mức độ bị ảnh hưởng sẽ rất nặng nề. Nhịp khủng hoảng có thể tác động kép vì chúng ta mới chứng kiến đợt đầu rồi đến đợt thứ 2 & thứ 3 theo cấu trúc của nền kinh tế chuỗi & hệ sinh thái. Chúng tôi cho rằng, rồi đây rất nhiều doanh nghiệp ở mọi ngành kinh tế bị khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng sẽ cần nhiều tháng thậm chí cả năm để phục hồi sau đại dịch.
Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đề cập đến một hướng dịch chuyển tất yếu trong thị trường lao động sau khủng hoảng. Khi nền kinh tế, thói quen tiêu dùng trong xã hội, các doanh nghiệp đều dịch chuyển, thì người lao động không thể đứng ngoài. Họ như những chiếc lá bị trận sóng cuốn đi, nếu không có sự chuẩn bị từ trước (thậm chí ngay bây giờ cũng đã muộn), họ sẽ đối mặt với việc thất nghiệp nghiêm trọng. Mà thực ra, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm nghìn người không có sự chuẩn bị cho những biến động và dịch chuyển cơ cấu này.
Sự dịch chuyển của thói quen sống và tâm lý, hành vi của xã hội, người dân
Nhiều năm qua, chúng ta liên tục chứng kiến kinh tế tăng trưởng, dù đôi khi có chững lại nhưng các đợt suy thoái đó không lớn (vì nhiều lý do khác nhau như độ mở & mức độ toàn cầu hóa của nền kinh tế Việt nam) không tác động toàn diện sâu sắc đến xã hội như lần này.
Khủng hoảng diễn ra khiến thu nhập của nhiều cá nhân, gia đình bị giảm sút; người dân, chính là khách hàng nói chung, sẽ cẩn trọng hơn trong các hành vi mua sắm, đầu tư và tiêu dùng. Việc chi tiêu trong nhiều tháng tới sẽ bị cắt giảm, đặc biệt là các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ không phải là thiết yếu; nhiều gia đình sẽ chỉ còn ưu tiên chi tiêu các hàng hóa tiêu dùng nhanh & thiết yếu…
Vì vậy các công ty du lịch & lữ hành, rạp chiếu phim, các trung tâm tiệc cưới, sự kiện, các shop thời trang, các nhà hàng, cửa hàng buôn bán các mặt hàng không thiết yếu… được dự báo sẽ bị thụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Người dân dịch chuyển sang mua sắm online và lựa chọn đồ kỹ càng hơn. Ngay kể cả cánh đàn ông và thanh niên hiện nay đã có những thay đổi rất căn bản như hạn chế hẳn thói quen ăn nhậu vỉa hè hay trong các quán bia bình dân.
Chúng tôi cho rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng trong ngắn hạn, tức là trong năm 2020, việc chi tiêu, mua sắm của người Việt sẽ giảm sút. Sang năm 2021 có thể được phục hồi dần dần song sẽ có điều chỉnh tích cực về chiều sâu, an toàn hơn.
Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp & ngành nghề
Sự dịch chuyển về hành vi tiêu dùng của người dân trước tiên sẽ khiến ngành giải trí, du lịch, ăn uống, nhà hàng, khách sạn… giảm sút doanh thu nghiêm trọng. Sự phục hồi của các doanh nghiệp ở các ngành này, nếu có, sẽ chậm và mang tính chọn lọc. Còn tồn tại sẽ chỉ là các quán ăn an toàn, sạch sẽ, các khách sạn cũng vậy. Cùng với luật lệ chống tác hại của rượu bia, các quán bia bình dân mất dần đi. Giới bình dân mất dần thói quen ăn nhậu ở vỉa hè nên các hãng bia, đồ uống có cồn.. như Bia Hà Nội hay Bia Sài Gòn, các hãng bia nhỏ, địa phương sẽ phải đối mặt với bài toán khó trong thời kỳ này.
Tiếp theo là các ngành như bất động sản, sản xuất phụ thuộc nguyên vật liệu nhập từ TQ & sản xuất phân phối ôtô sedan, du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có lẽ chỉ ngoại trừ trường công, cũng bị cuốn vào vùng khủng hoảng. Ngay cả các bệnh viện, phòng khám hay beauty salon, tiệm spa cũng chứng kiến sự vắng vẻ lạ thường...
Nhóm các doanh nghiệp phụ thuộc, sản xuất phụ trợ nhạy cảm với những biến động và sự dịch chuyển toàn cầu; Nhóm các doanh nghiệp không có năng lực điều hành, sản xuất, kinh doanh online; Nhóm các doanh nghiệp quá chú trọng vào đòn bẩy tài chính, và đầu tư đa ngành nghề… cũng sẽ là những doanh nghiệp "bị gọi tên" trong cuộc khủng hoảng này.
Có lẽ kể từ khi mở cửa nền kinh tế từ những năm 1990s đến nay, đây là lần đầu tiên người Việt Nam chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến vậy. Trong tương lai, có thể xuất hiện sự đổ vỡ của các tập đoàn/doanh nghiệp, khi thị trường chứng khoán rơi thẳng đứng..
Để đối phó với thời kỳ hậu khủng hoảng chúng tôi dự báo các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển theo các hướng sau:
Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tinh gọn hơn. Nhân sự không thể đông, mà đòi hỏi phải tinh, năng lực & hiệu suất làm việc phải cao hơn mức trung bình mới tồn tại được. Các doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm từ 20-50% thậm chí hơn nhân sự tùy từng ngành, và đó sẽ là những nhân sự có thái độ làm việc kém, có kiến thức/kỹ năng & hiệu suất lao động thấp.
Doanh nghiệp chuyển sang online, số hóa nhiều hơn đặc biêt là ERP để quản lý vận hành từ xa, bớt phụ thuộc vào thay đổi thực tế và giảm bớt chi phí vận hành. Nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành thuê/tuyển dụng lao động làm part-time, freelance & từ xa, kiểm soát theo khối lượng & kết quả. Năng lực quản trị của nhiều doanh nhân – doanh chủ sau khủng hoảng trở nên tốt hơn. Họ sẽ trù tính, dự bị & thách thức tốt hơn với những thay đổi bất ngờ xảy ra.
Ngược lại các công ty nhỏ, có hệ thống quản trị yếu kém, lỏng lẻo, hiệu quả làm việc thấp sẽ sớm tan vỡ trong & ngay cả sau khủng hoảng.
Thách thức dịch chuyển của người lao động
Đối mặt với khủng hoảng, trước tiên sẽ có sự dịch chuyển lao động từ những ngành suy thoái/đổ vỡ sang các ngành có năng suất, hiệu suất làm việc cao hơn, bớt bị tổn thương/phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài (sự giao thương/đi lại giữa các quốc gia..). Tuy nhiên việc dịch chuyển này chỉ phù hợp với đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tốt & khả năng thích ứng cao.
Hàng chục nghìn lao động phổ thông trong nền kinh tế, đặc biệt lao động chuyên phục vụ trong các ngành du lịch, giải trí, bán lẻ,quán ăn, quán bia hơi bình dân sẽ mất việc làm. Họ phải tìm công việc mới, nhưng đó là thách thức rất lớn. Họ không thể về quê làm ruộng như cũ vì đã quen với cuộc sống hiện đại ở đô thị. Nhưng lại không có kiến thức, nghề nghiệp, trình độ để làm những công việc có đòi hỏi cao hơn.
Nhân viên ở các cửa hàng mặt phố, các cửa hàng nhỏ lẻ cũng gặp cảnh khó khăn, thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Nhân viên làm trong các khách sạn mini hoặc 1-3* là những người có kỹ năng, tay nghề yếu, do sự đóng cửa hàng loạt các loại hình khách sạn này, nên họ cũng phải đối mặt với nạn thất nghiệp.
Bên cạnh đó, nhân sự được coi là có trình độ ở nhiều ngành nghề khác như sản xuất, du lịch, xuất khẩu… nếu không có năng lực thích ứng với thay đổi, không được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động cũng sẽ gặp khó khăn không nhỏ trong việc dịch chuyển, tìm kiếm công việc mới.
Đối mặt với thách thức thay đổi, dịch chuyển công việc này, chúng tôi cho rằng người lao động ngay từ bây giờ cần có thái độ & tư duy về nghề nghiệp tích cực, đúng đắn hơn. Trước đây, khi kinh tế phát triển ổn định, nhìn chung người lao động chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đôi chút chăm chỉ là có thể kiếm được công việc khá tốt. Điều này khiến nhiều người lao động dễ dàng hài lòng với bản thân, ít chịu cập nhật các kiến thức kỹ năng mới. Vì vậy khi khủng hoảng, nguy cơ thất nghiệp xảy ra, nhiều người như những chiếc lá xoay mòng mòng trong vòng nước xoáy, không biết tìm lối thoát cho mình như thế nào.
Một số giải pháp chia sẻ & gợi ý:
Đối với các bạn trẻ, lao động tay nghề thấp trong khu vực nhạy cảm & yếm thế trong xã hội:
Chúng tôi cho rằng, khủng hoảng hiện tại chính là thời điểm người lao động cần nhìn nhận lại mình, tự thay đổi những thói quen, thái độ với công việc, với nơi mình làm việc, tức là với chính nghề nghiệp/sự nghiệp của mình:
- Với những bạn chưa có sự lựa chọn nghề mạch lạc nên một lần nữa nhận diện cho được năng khiếu, thế mạnh, khao khát & lòng đam mê của bản thân;
- Sau đó khi lựa chọn & đặt mục tiêu cho mình một nghề thì lên kế hoạch đầu tư thời gian & tiền bạc để học hành, phát triển tay nghề đến mức cao nhất có thể;
- Đối với các bạn đã chọn nghề nhưng tay nghề chưa cao cần có bước tái nhận thức mạnh mẽ, lập kế hoạch phát triển bản thân, tay nghề lên mức cao hơn thậm chí là trở thành chuyên gia.
Hãy lên kế hoạch & kiên định theo đuổi việc học tập & trải nghiệm nhiều hơn, học ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng mới... và đặc biệt hãy xem lại và thay đổi thái độ với cuộc sống, xã hội, cộng đồng mình đang sống để đảm bảo ổn định được cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Đối với các doanh nghiệp & doanh chủ :
Chúng ta đã biết nhiều về các cuộc khủng hoảng trong lịch sử như các khủng hoảng tài chính 1930 ở Mỹ và trên toàn cầu, các khủng hoảng do chiến tranh.. và có thể thấy các quốc gia lớn đều chứng kiến & trải qua những biến động cực kỳ lớn lao. Những biến động đó nhiều khi rất khó tránh khỏi, nếu không muốn nói là tất yếu trong quá trình phát triển. Nó đồng thời cũng là lửa để thử vàng đối với mọi doanh nghiệp, xã hội, thể chế kinh tế chính trị & cả nền kinh tế. Những nền kinh tế trưởng thành, có một nền tảng phúc lợi xã hội (có phụ cấp thất nghiệp, có đền bù cho người lao động khi ở nhà, có cơ chế & cách thức bảo vệ các doanh nghiệp phá sản...) đều đã trải qua khủng hoảng, và bước lên một tầm cao mới sau bão táp, mưa sa.
Chúng tôi cho rằng doanh nhân & doanh chủ Việt Nam trong giai đoạn này nên xem xét lại doanh nghiệp mình để chuyển đổi ở một trong 3 cấp độ tùy theo ngành nghề, hoàn cảnh & điều kiện thực tiễn:
Cấp độ 1: Xem xét, điều chỉnh & hoàn thiện toàn bộ doanh nghiệp như tinh giảm bộ máy, gia tăng làm việc online & từ xa; tiết giảm chi phí mạnh mẽ…
Cấp độ 2: tiến hành những thay đổi, dịch chuyển & đổi mới doanh nghiệp như thay đổi cơ cấu tổ chức; trang bị ERP & số hóa hạ tầng doanh nghiệp; gia tăng sử dụng dịch vụ outsourcing cùng các giải pháp đồng bộ của cấp độ 1…
Cấp độ 3: tái cấu trúc mạnh mẽ & toàn diện để có thể sống sót, trưởng thành qua khủng hoảng & phát triển bền vững bằng các việc như: xem xét & tái định hướng chiến lược kinh doanh; xem xét thiết kế lại mô hình kinh doanh để có thêm các động cơ tăng trưởng & trung tâm tạo lợi nhuận bền vững; thiết kế lại cơ cấu tổ chức để cắt bỏ ngay các Biz Units thua lỗ; sử dụng các mô hình quản trị kinh doanh theo thông lệ quốc tế & các giải pháp đồng bộ như cấp 1 & 2…
Chúng tôi mong rằng, các doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi người lao động Việt Nam sẽ nhìn nhận cuộc khủng hoảng này như một thách thức tích cực, một cơ hội thử vàng để chúng ta trưởng thành & kiên cường hơn. Và khi đại dịch qua đi, chúng ta sẽ trở lại & lợi hại hơn xưa! Bởi TRONG NGUY NAN LUÔN CÓ CƠ HỘI! Trong bất cứ khủng hoảng nào luôn có những hạt giống của các giải pháp!