Sự chuyển mình của Đông Nam Á

Trong bài viết mới đây, tờ Nikkei Asia Review cho rằng xu hướng đầu tư nội khối gia tăng tại Đông Nam Á kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 là bằng chứng thuyết phục cho thấy sự chuyển mình về kinh tế của khu vực này.

Theo Nikkei Asia Review, với dân số 650 triệu người và tổng GDP ước tính lên tới 3.000 tỷ USD, Đông Nam Á được xem là “công xưởng châu Á”-một hệ thống các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng với chi phí thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các doanh nghiệp ASEAN đã gia tăng đầu tư nội khối để mở rộng hoạt động tại các quốc gia láng giềng. “Điều này đánh dấu sự thay đổi quan trọng theo hướng có thể tạm gọi là “Thị trường châu Á”. Đây có thể sẽ là sự tiến triển quan trọng đối với Đông Nam Á nếu chính phủ các nước trong khu vực hành động một cách nhanh chóng để điều chỉnh các chính sách và chương trình hỗ trợ cho xu hướng này”, tờ Nikkei Asia Review nhấn mạnh.

Kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ cùng với nhiều chính sách hướng đến xuất khẩu, thân thiện với nhà đầu tư của chính phủ các nước trong khu vực giúp Đông Nam Á thu hút các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế phát triển tới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và xuất khẩu. Đến năm 2017, ASEAN được xếp ở vị trí thứ 4 trong số các khu vực xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm tới 7% giá trị xuất khẩu thế giới, với mặt hàng xuất khẩu rất đa dạng, từ giày thể thao cho tới ổ cứng, vật liệu bán dẫn. Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, như: Nike, Adidas, Western Digital và Toshiba đã xem khu vực Đông Nam Á là một trong số các trung tâm sản xuất quan trọng nhất của họ.

 Hình ảnh Trung tâm mua sắm Iconsiam ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) được dùng để minh họa cho bài viết trên tờ Nikkei Asia Review. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Hình ảnh Trung tâm mua sắm Iconsiam ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) được dùng để minh họa cho bài viết trên tờ Nikkei Asia Review. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Tờ Nikkei Asia Review cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng với sự gia tăng về chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã buộc các công ty đa quốc gia có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và ngay cả các công ty Trung Quốc cũng phải xem xét lại địa điểm đặt chuỗi cung ứng của mình. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á chính là một lựa chọn hấp dẫn bởi khu vực này gần Trung Quốc, chi phí sản xuất tương đối hợp lý và kinh tế đang tăng trưởng. Kết quả thăm dò mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Trung Quốc đối với các thành viên Amcham cho thấy gần 40% doanh nghiệp đã di chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc hoặc đang cân nhắc làm như vậy. Trong số đó, có tới gần 25% doanh nghiệp được hỏi bày tỏ sự ưu ái đối với khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, tờ Nikkei Asia Review cho biết các dòng vốn đầu tư đang gia tăng trong nội khối ASEAN “phản ánh ý định của các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội ở thị trường gần nhà hơn”. Chỉ trong vòng hai thập niên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đầu tư nội khối trong ASEAN đã tăng 22 lần, từ 1,2 tỷ USD vào năm 2000 lên gần 27 tỷ USD trong năm 2017. Theo báo cáo của Ban thư ký ASEAN và Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đầu tư nội khối trở thành một nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quan trọng nhất, chiếm gần 20% tổng vốn FDI chảy vào Đông Nam Á. “Xu hướng này là bằng chứng thuyết phục cho thấy sự chuyển đổi từ “công xưởng châu Á” sang “thị trường châu Á” ở khu vực này”, tờ Nikkei Asia Review khẳng định.

Các dòng vốn đầu tư nội khối không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực công nghiệp truyền thống, như điện tử, thực phẩm và đồ uống mà còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, trong đó có bất động sản, tài chính, bán lẻ. Một vài cái tên có thể kể đến như các tập đoàn: Charoen Pokphand Group (Thái Lan), Lippo Group (Indonesia), Ayala Group (Philippines), Sime Darby (Malaysia) hay Singtel (Singapore). “Hiểu rõ vị trí của mỗi nước trong các chuỗi giá trị khu vực sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp. Ví dụ, đầu tư vào ngành công nghiệp cơ bản có sức hấp dẫn khác với việc đầu tư vào các hoạt động giúp nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, các chính sách cần phải khác nhau. Để Đông Nam Á phát huy hết tiềm năng, các nhà hoạch định chính sách ở khu vực này cần hướng tới tương lai-ở đó sự đổi mới, các chuỗi cung ứng chuyên biệt và các thể chế mạnh giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng trở thành các nhân tố quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh ”, tờ Nikkei Asia Review đề xuất.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/su-chuyen-minh-cua-dong-nam-a-597670