Sự dấn thân của nhà báo

Sự dấn thân và tính trung thực của nhà báo góp phần tác động vào việc xây dựng, duy trì một xã hội lành mạnh, văn minh. Báo chí có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và đa chiều cho công chúng.

Sự dấn thân không chỉ đơn giản là nhiệt huyết của mỗi nhà báo mà còn là trách nhiệm với người đọc, với cộng đồng. Những tác phẩm báo chí có tính định hướng đúng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội. Như chúng ta đã biết, phẩm chất quan trọng của báo chí là tính trung thực trong việc thu thập, kiểm chứng và truyền tải thông tin. Có thể nói, khi đã lựa chọn nghề báo nghĩa là bản thân phải trong tâm thế sẵn sàng dấn thân vào các sự kiện, chấp nhận khó khăn, gian khổ để cho ra đời những tác phẩm báo chí có cái nhìn lạc quan, tích cực, hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

 Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: noichinh.vn

Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: noichinh.vn

Chính niềm say mê, sáng tạo và trách nhiệm với cộng đồng bằng sự dấn thân của đội ngũ nhà báo đã góp phần tạo hiệu ứng tích cực cho xã hội phát triển. Thực tế trong những năm qua, sự dấn thân của nhà báo được thể hiện khá rõ nét. Dấu chân của những nhà báo in đậm trên mọi nẻo đường đất nước. Họ luôn xung kích vào những nơi xa xôi hẻo lánh, chấp nhận đối mặt với gian khổ, hiểm nguy như: Thiên tai, lụt bão, đại dịch Covid-19... để cho ra đời những tác phẩm báo chí xuất sắc, kịp thời tuyên truyền, phản ánh các mặt hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội...

Tuy nhiên, trước thực tế cuộc sống, tính dấn thân và trung thực của báo chí không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách trong sáng, công tâm, khách quan. Giữa vòng xoáy của cơ chế thị trường, có không ít nhà báo đã nhúng chàm, chạy theo cám dỗ mà tự đánh mất mình. Một số phóng viên bị chi phối bởi lợi ích cá nhân mà thông tin thiếu trung thực, thiếu tính định hướng xã hội, làm sai lệch nhận thức của bạn đọc. Những hành vi tiêu cực đó đáng bị phê phán, lên án.

Thiết nghĩ, để “giữ lửa” cho nghề báo, để hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đội ngũ nhà báo phải thẳng thắn nhìn lại mình; phải chắt chiu những cảm xúc tích cực; phải có cái nhìn lạc quan, tốt đẹp trong cuộc sống đời thường. Muốn vậy, người làm báo cần thường xuyên học hỏi, trau dồi chuyên môn, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, thẳng thắn đấu tranh với những thói hư tật xấu. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện sự dấn thân và tính trung thực của một nhà báo chân chính.

TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/su-dan-than-cua-nha-bao-781830