Sư đoàn 361: Chủ động ứng phó với các phương thức tác chiến đường không của đối phương
Là đơn vị được đầu tư vũ khí, khí tài hiện đại, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội và các mục tiêu trọng yếu khác. Hiện nay, trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, phương thức tác chiến đường không cũng có sự phát triển vượt bậc với sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Vậy Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã triển khai các biện pháp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao? Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với Đại tá Lê Anh Chiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Sư đoàn 361 cần chú ý vào điểm nào, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Anh Chiến: Hiện nay, Sư đoàn 361 làm nhiệm trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có cả các đơn vị ở biên giới; không phận quản lý rất rộng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, những năm qua, Sư đoàn 361 được quan tâm xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, trang bị nhiều chủng loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại, kết hợp với các loại khí tài truyền thống đã nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời của đơn vị.
Với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội, nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cùng các mục tiêu trọng yếu khác; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền các địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Trước sự phát triển mạnh mẽ các loại phương tiện đường không, nhất là phương tiện bay không người lái đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời của Sư đoàn.
Quán triệt và thực hiện tốt “4 biết” trong quản lý vùng trời, các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, chú trọng quản lý chặt chẽ các hoạt động bay, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo mục tiêu. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không của các quân khu, quân đoàn và các đơn vị đứng chân trên địa bàn, kịp thời thông báo, báo động, xử trí tốt tình huống trên không, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
PV: Việc truyền thụ kinh nghiệm của thế hệ đi trước trong huấn luyện được Sư đoàn tiến hành như thế nào?
Đại tá Lê Anh Chiến: Hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn quan tâm đến việc truyền thụ và tiếp thu kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Trong đó, thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa công tác huấn luyện chiến đấu với công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử; đặc biệt là lịch sử quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn.
Phối hợp với Ban liên lạc - bạn chiến đấu của Sư đoàn, mời các đồng chí cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ về những trận đánh hay, những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, những bài học kinh nghiệm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đã được tổng kết qua thực tiễn.
Đồng thời động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy tốt tính tự giác, vai trò, trách nhiệm trong việc sưu tầm tài liệu, tư liệu lịch sử kết hợp với việc nghiên cứu, vận dụng giáo án, tài liệu của trên bảo đảm sát với chức trách nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
PV: Công tác tổ chức huấn luyện trong điều kiện tác chiến công nghệ cao được Sư đoàn thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Anh Chiến: Hằng năm, các tổ chức Đảng trong Sư đoàn ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, trong đó đặc biệt chú trọng nhiệm vụ huấn luyện khí tài mới, khí tài cải tiến. Giao nhiệm vụ và phân công cán bộ chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện, lấy cơ quan tham mưu là cơ quan chủ trì phối hợp hiệp đồng với các cơ quan khác để hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức điều hành huấn luyện.
Sư đoàn đã bám sát hướng dẫn của các cơ quan Quân chủng, xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp với điều kiện tác chiến công nghệ cao, thực tế của đơn vị và đặc thù của từng loại khí tài. Lựa chọn những đồng chí có trình độ, năng lực, nhất là các đồng chí được đào tạo tại nước ngoài làm lực lượng nòng cốt để huấn luyện, khai thác sử dụng khí tài mới của Sư đoàn.
Đẩy mạnh phong trào tự học, tự nghiên cứu ngoại ngữ và tin học trong cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp. Nghiên cứu tài liệu về tính năng, kỹ chiến thuật của khí tài mới, cải tiến, soạn giáo án chuyên ngành trên cơ sở tài liệu và kiến thức mà chuyên gia nước ngoài đã truyền đạt, đặc biệt là giáo án huấn luyện xạ kích, công tác chiến đấu, huấn luyện quy tắc bắn khí tài cải tiến, khí tài mới. Kiện toàn ổn định các thành phần trong kíp chiến đấu, bảo đảm tính liên tục, ổn định vững chắc trong quá trình huấn luyện.
Thường xuyên cập nhật tình hình, nhận thức rõ về phương thức tác chiến đường không mới; xây dựng phương án đánh trả UAV, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất; không gian mạng, tác chiến điện tử, tàng hình… Tập trung huấn luyện cho bộ đội nắm chắc lý thuyết chuyên môn, ý nghĩa vật lý, thao tác chiến đấu cho các thành phần trong kíp chiến đấu; bảo đảm các thành phần nắm chắc và làm chủ vũ khí, trang bị trong lĩnh vực mình quản lý.
PV: Sư đoàn được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị mới, cải tiến, hiện đại, vậy việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị này như thế nào?
Đại tá Lê Anh Chiến: Để quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy được tính năng, tác dụng vũ khí, trang bị mới, cải tiến, hiện đại, việc bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được xác định là nhân tố quan trọng, giữ vai trò quyết định.
Sư đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình huấn luyện sát đúng với đặc điểm, tính năng của từng loại khí tài. Triển khai có hiệu quả các lớp tập huấn, học ngoại ngữ, tin học, các cuộc hội thảo về khai thác, làm chủ khí tài mới để phát huy trí tuệ tập thể trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Phát huy có hiệu quả tính tự học, tích cực, sự đam mê của đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ kỹ sư, câu lạc bộ sĩ quan trẻ, tổ sáng kiến kỹ thuật… có khả năng về công nghệ, ngoại ngữ, các đồng chí được đào tạo ở nước ngoài trong việc bồi dưỡng, huấn luyện chuyển loại khí tài.
Bám sát cơ quan cấp trên, chuyên gia bạn, các nhà máy để tiếp cận làm chủ khí tài mới. Nghiên cứu khôi phục, sửa chữa, tìm thay thế tương đương các loại vật tư đặc chủng; nghiên cứu sao lưu phần mềm, dữ liệu dự phòng để không bị động trong công tác sửa chữa hỏng hóc phát sinh; xây dựng phương pháp, loại hình bảo đảm kỹ thuật cho các vũ khí, trang bị mới phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị…
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NHƯ PHONG - CÔNG HÙNG (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.