Sư đoàn 9 với Chiến thắng Phước Long
Cuối năm 1974, lực lượng địch ở tiểu khu Phước Long có 4 tiểu đoàn bảo an, 60 trung đội dân vệ. Chúng tập trung 3/4 lực lượng giữ tuyến ngoài là trục Đường 14 từ Đồng Xoài qua Bù Na đến Bù Đăng. Nhưng do phải dàn mỏng ra trên 100km đường núi nên trên thực tế, địch không kiểm soát được Đường 14, nhất là về ban đêm. Với lực lượng bảo an và dân vệ, địch chỉ có thể mở những cuộc hành quân nhỏ và phòng thủ.
Các trận địa pháo bố trí ở các chi khu, yếu khu, phân tán trên một địa bàn rộng nên không tạo được hỏa lực tập trung; có điểm pháo không với tới. Trận địa pháo 175mm ở Phước Vĩnh chỉ bắn tới Đồng Xoài. Lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 ngụy và không quân chiến thuật ở sân bay Biên Hòa có thể chi viện khi ở đây bị tiến công, nhưng nếu ta duy trì tốt thế căng kéo chiến trường, sự chi viện ấy sẽ bị hạn chế.
Tháng 10-1974, Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (nay là Quân đoàn 34) mở chiến dịch tiến công địch ở Đường 14-Phước Long, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một đoạn Đường 14, mở rộng đầu cầu tuyến vận tải chiến lược; tiếp đó, đánh bại quân địch nếu chúng phản kích, giữ vững vùng giải phóng. Ngày 11-10-1974, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 triệu tập hội nghị quân chính phổ biến nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị: Sư đoàn 7 (thiếu) đảm nhận hướng chủ yếu của chiến dịch là Đồng Xoài. Sư đoàn 32 do Bộ tư lệnh Miền tăng cường cho Quân đoàn 4 tiến công hướng thứ yếu là Bù Đăng. Bộ đội địa phương tỉnh Bình Phước tiến công chi khu “Bù Đốp lưu vong”. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu chủ yếu, hướng phát triển của chiến dịch là Đường 311 và Phước Vĩnh. Sư đoàn 9 và một bộ phận của Sư đoàn 7 tiếp tục hoạt động ở khu vực Đường 7 ngang và Đường 16, giữ vững vùng giải phóng Bàu Bàng trên Đường số 13 và bắc Phước Vĩnh trên Đường 14, nhằm kìm chân các sư đoàn 5, 25, 18 ngụy, cô lập tiểu khu Phước Long.
Sau hội nghị, toàn Sư đoàn 9 khẩn trương bước vào củng cố tổ chức, bổ sung quân số, trang bị, huấn luyện quân sự. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới, các đơn vị từ trung đội đến trung đoàn đã bước vào huấn luyện và diễn tập đánh địch phòng thủ trong chi khu, tiểu khu bằng lực lượng có trong biên chế và được tăng cường; vận động tiến công kết hợp chốt giữ vùng giải phóng... Cuối khóa huấn luyện, Sư đoàn tổ chức diễn tập chiến đấu đánh chi khu quân sự, quận lỵ Dầu Tiếng. Cuộc diễn tập được tiến hành ngay trong sở cao su Dầu Tiếng.
Từ ngày 14 đến 26-12-1974, các đơn vị tham gia chiến dịch đã đánh chiếm các chi khu quân sự Bù Đăng, yếu khu Bù Na, giải phóng hơn 100km Đường 14 (từ cây số 11 đến Kiến Đức); tiếp đó, đánh chiếm chi khu quân sự Đồng Xoài, giải phóng Bù Đốp. Đây là những vị trí rất quan trọng, trực tiếp uy hiếp tuyến phòng thủ cơ bản của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn. Do các chiến trường hoạt động phối hợp tốt, đặc biệt là khu vực Đường 7 - Tây Bến Cát của Sư đoàn 9 và một số khu vực khác, làm cho Quân đoàn 3 ngụy bị căng kéo, không thể đưa lực lượng lên giải tỏa Đường 14 và chiếm lại Đồng Xoài.
Ngày 31-12-1974, các đơn vị của Sư đoàn 9 tham gia chiến dịch tiến công thị xã Phước Long. Trận đánh vào thị xã kéo dài đến ngày 5-1-1975 vẫn chưa dứt điểm vì quân địch dựa vào công sự chống trả quyết liệt. Theo mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân đoàn, sáng 6-1, lực lượng Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) do Trung đoàn trưởng Lê Tấn Cẩm và Phó chính ủy Trương Minh Hoa chỉ huy, được tăng cường 10 xe tăng bước vào chiến đấu. Đánh hết bộc phá ống nhưng vẫn chưa mở được cửa, bộ đội ta tiếp tục dùng kéo, dao tông để cắt rào, dùng bao tải, ván gỗ “bắc cầu” để vượt qua. Đến 9 giờ, Trung đoàn 2 chiếm được khu két nước, trung tâm tuyển mộ tân binh, ty cảnh sát, trận địa pháo của địch. Các mũi tiến công của Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 gặp nhau ở dinh tỉnh trưởng Phước Long lúc 9 giờ 30 phút. Trận đánh ở tiểu khu quân sự diễn ra gay go, quyết liệt. Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2) từ phía Nam lên, phải vượt qua nhiều lớp rào, chế áp nhiều ổ đề kháng của địch, phối hợp với Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) từ phía Bắc đánh xuống. Đến 19 giờ cùng ngày, quân ta mới dập tắt được ổ kháng cự cuối cùng của địch, đánh chiếm tiểu khu quân sự, làm chủ hoàn toàn thị xã Phước Long.
Trong đội hình Quân đoàn 4, tham gia chiến dịch trên hướng phối hợp, hoạt động ở khu vực Đường 7 Tây Bến Cát và Đường 16, Sư đoàn 9 đã góp phần duy trì thế căng kéo địch trên chiến trường, thu hút, kìm chân lực lượng chủ lực cơ động của Quân đoàn 3 ngụy, không cho chúng đưa lực lượng lên ứng cứu, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu nhanh chóng tiêu diệt quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Đường 14 - Phước Long và truyền thống “Đoàn kết, khiêm tốn, anh dũng, sáng tạo, đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”, những năm qua, Sư đoàn 9 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Sư đoàn được xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu cao; tiềm lực của Sư đoàn không ngừng được củng cố, tăng cường; nhiều đề án, chương trình, mô hình mới, cách làm sáng tạo được Sư đoàn và các địa phương phối hợp thực hiện có hiệu quả; chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.