Phước Long: Mảnh đất anh hùng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới
50 năm đã trôi qua, từ những đổ nát của chiến tranh, huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long) vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Bình Phước.
Tinh thần kiên cường của người Phước Long đã biến những đổ nát thành kỳ tích, viết tiếp những trang sử hào hùng cho mảnh đất đầu tiên được giải phóng ở miền Nam. Mảnh đất anh hùng ấy đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Xóa đói, xóa mù chữ ngay sau giải phóng
"Khi giải phóng, Phước Long hoang tàn, đổ nát, là tỉnh giải phóng đầu tiên nên khi đó chính quyền Sài Gòn phản ứng để quyết giành lại, không tiếc bom đạn nên địa phương nát hết”, ông Nguyễn Văn Phấn (73 tuổi), người dân địa phương nhớ lại những ngày sau giải phóng Phước Long.
Ngày đó, Phước Long như một bức tranh ảm đạm. Giao thông đi lại khó khăn, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, người dân thiếu thốn đủ thứ. Đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của giai đoạn mới.
Trước tình thế đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long không ngừng nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Các hoạt động cứu trợ, tái thiết, giáo dục được triển khai đồng bộ. Nhân dân tích cực tham gia sản xuất, khai hoang, phục hóa, góp phần phục hồi kinh tế. Chính sách giao đất giao rừng đã tạo điều kiện cho nông dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Chỉ trong vòng vài năm, diện tích canh tác nông nghiệp đã tăng từ 15.955 ha năm 1976 lên 23.255 ha năm 1977, đến năm 1979 địa phương đã cơ bản tự túc được lương thực, sản lượng bình quân đầu người đạt 650kg/năm. Từ đó, giải quyết căn bản vấn đề lương thực cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chấm dứt tình trạng thiếu đói và nhập khẩu gạo từ các tỉnh khác.
Ông Trần Đức Thủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phước Long (cũ) hồi tưởng: "Lúc đó bắt đầu trồng mì là chính, giao chỉ tiêu mỗi hộ gia đình 1.000 gốc mì, 1 lon bắp, vài con gà để phát triển kinh tế gia đình và ủng hộ xã hội. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số phát động phong trào tăng gia sản xuất luôn vượt chỉ tiêu, kế hoạch. Lượng mì được xuất cho các huyện trong tỉnh Sông Bé lúc trước, từ đó dần dần phát triển kinh tế lớn mạnh”.
Xác định công tác xóa mù chữ, chăm lo sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, Phước Long tập trung vào việc xây dựng lại hệ thống giáo dục và y tế. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao dân trí. Số lượng học sinh cũng tăng nhanh chóng từ hơn 10.000 em năm 1977 lên 16.000 em vào năm 1979.
Hệ thống y tế cơ sở được xây dựng và củng cố, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Vươn mình vào kỷ nguyên của dân tộc
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, ngày 11/8/2009, thị xã Phước Long chính thức được thành lập. Trải qua 15 năm xây dựng, đến nay kinh tế thị xã phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng vượt so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 221 tỷ 503 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được kết quả đáng kể, đến cuối năm 2024, thị xã cơ bản xóa được hộ nghèo.
Bên cạnh đó, giáo dục và y tế được đặc biệt quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng đáng kể. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Việc cải cách hành chính và chuyển đổi số cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 141 xúc động: "Lúc chúng tôi vào đây, dân rất nghèo, xơ xác. Giờ thì chúng tôi rất mừng, tự hào vì sau giải phóng, cuộc sống của nhân dân phát triển, hạnh phúc và no ấm, các cháu được đến trường. Đây là điều tự hào đối với cựu chiến binh chúng tôi".
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt là quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, Phước Long đang tăng tốc không ngừng nghỉ để sớm trở thành đô thị loại III và là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Bình Phước.
Để đạt được mục tiêu này, bà Huỳnh Thị Thùy Trang, Bí thư Thị ủy Phước Long cho biết, Phước Long được định hướng trở thành một đô thị sinh thái, văn minh, bảo tồn bản sắc. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp trọng yếu, kết nối với hệ thống logistics để phục vụ cho nhu cầu của cả khu vực phía Bắc tỉnh Bình Phước. Đồng thời, địa phương cũng sẽ khai thác tối đa tiềm năng du lịch, dựa trên những di sản lịch sử, văn hóa như núi Bà Rá, hồ Thác Mơ…
Để Phước Long tiếp tục tăng tốc, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, chúng tôi xác định 3 nhiệm vụ trọng yếu, đó là: phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả."
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, thị xã Phước Long còn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử. Điển hình là sự ra đời của Bảo tàng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào năm 2018. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý giá, tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bảo tàng đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những hy sinh, cống hiến của cha anh, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của quân dân vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.