Sự đổi thay chớp nhoáng của ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc
Sự đổi ngôi chớp nhoáng của ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc cho thấy phần lớn tài sản của nhiều tỷ phú Trung Quốc chỉ tồn tại trên giấy.
Hứa Gia Ấn - chủ hãng bất động sản China Evergrande Group - là người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2017. Chỉ một năm sau, Jack Ma - người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - lên ngôi. Rồi đến bây giờ, Chung Thiểm Thiểm vươn lên vị trí người giàu nhất Trung Quốc. Thậm chí ông còn giàu hơn nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.
Sự thay đổi vị trí của các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, theo Bloomberg, phản ánh những thay đổi về cấu trúc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngành bất động sản Trung Quốc bùng nổ đến cuối năm 2017. Từ thời điểm này, Bắc Kinh mở chiến dịch giảm nợ, khiến tài sản của các tỷ phú bất động sản như ông Hứa Gia Ẩn lao dốc.
Hướng mới của của Bắc Kinh cũng tạo tiền đề cho đà vươn lên của các đại gia công nghệ như Jack Ma hay Mã Hóa Đằng. Nhưng trong 3 tháng qua, thời thế lại thay đổi. Chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Ant Group của Jack Ma buộc phải hoãn đợt IPO 35 tỷ USD, Alibaba trở thành đối tượng điều tra độc quyền. Giá cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc lao dốc và tổng tài sản Jack Ma cũng giảm theo.
Hiện nay ở Trung Quốc, các doanh nghiệp thực phẩm đang gặp thời. Doanh số và giá cổ phiếu của một loạt nhà sản xuất rượu và thịt lợn tăng vọt. Việc ông Chung vươn lên dẫn đầu danh sách các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cũng là một phần của hiện tượng đó.
Tuy vậy, Bloomberg nhận định sự đổi ngôi chóng vánh trên danh sách những người giàu nhất Trung Quốc cho thấy khối tài sản của các tỷ phú tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khá "mỏng manh". Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú Chung Thiểm Thiểm sở hữu 91,5 tỷ USD, hơn "nhà tiên tri xứ Ohama" Warren Buffett (88,9 tỷ USD).
Phần lớn tài sản của ông Chung (khoảng 74 tỷ USD) đến từ 84% cổ phần của ông tại Nongfu Spring. Sau đợt IPO hồi tháng 9/2020 tại Hong King, cổ phiếu Nongfu có giá cao gấp 88 lần P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu).
Doanh nhân Chung sẽ thu về bao nhiêu tiền nếu bán số cổ phiếu Nongfu? Trên thực tế, Philip Securities Group nói rằng tỷ lệ vay trên giá trị của cổ phiếu Nongfu (tỷ lệ phần trăm số tiền muốn vay trên giá trị tài sản thế chấp) chỉ đạt 50%. Để so sánh, cổ phiếu CK Hutchison Holdings của tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing (Lý Gia Thành) có tỷ lệ vay trên giá trị tới 80%. Tỷ lệ ấy của cổ phiếu Alibaba cũng là 80%.
Các ngân hàng quyết định tỷ lệ vay trên giá trị dựa trên tính thanh khoản của loại cổ phiếu mà khách hàng thế chấp, nghĩa là nhà băng có thể bán chúng nhanh hay không. Thông thường, tỷ lệ vay trên giá trị sẽ cao nếu cổ phiếu thuộc một chỉ số chứng khoán chính, ví dụ như Hang Seng tại Hong Kong. Cả CK Hutchison và Alibaba đều thuộc chỉ số Hang Seng.
Ngược lại, ngân hàng sẽ định giá thấp hơn nhiều với các cổ phiếu thanh khoản kém. Với ngân hàng, lợi nhuận chỉ tăng lên trên giấy là chỉ số không đáng tin cậy.
Do đó, Bloomberg nhận xét rằng tổng tài sản trên giấy - phần lớn đến từ cổ phần - của các tỷ phú Trung Quốc là khá "ảo". Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng định giá của Nongfu Spring quá cao so với giá trị thực, bởi lượng cổ phiếu Nongfu đang được giao dịch trên thị trường rất thấp.
Số liệu thống kê của Bloomberg cho thấy khoảng 2/3 số cổ phiếu đang lưu hành của Nongfu Spring không được giao dịch trên thị trường bởi chúng nhằm trong tay các lãnh đạo công ty. Với cách tính tương tự, tỷ phú Hứa Gia Ẩn - hiện là người giàu thứ 13 tại Trung Quốc - không thực sự sở hữu 25,9 tỷ USD.
Phần lớn tài sản của ông Hứa có nguồn gốc từ 77% cổ phần tại Evergrande Group. Tuy nhiên, với 100 USD cổ phiếu Evergrande ký quỹ tại ngân hàng, ông Hui chỉ có thể vay 20 USD.
Do đó, Bloomberg nhận định xét về tài sản thực, Trung Quốc vẫn chưa có tỷ phú nào đủ khả năng vượt nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.