Sự đồng cảm giữa nhà lãnh đạo Đảng và vị tướng trận

Với gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn được coi là một tượng đài cách mạng cùng quê hương miền Trung, người đồng chí và là người anh lớn của ông Thanh.

LỜI TÒA SOẠN

Tại "Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" ở ngôi nhà số 81 phố Tân Nhuệ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với chúng tôi:

“Gia đình không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của đất nước và quân đội; về một giai đoạn cách mạng, một thời kỳ vàng son của đất nước – thời đại Hồ Chí Minh”.

Đề cập đến những bức ảnh trưng bày tại Bảo tàng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ về dự thảo cuốn sách những câu chuyện qua hình ảnh về người cha của ông. Trong số đó, có những kỷ niệm nói lên sự gắn bó tri kỷ giữa Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể:

Những dấu mốc của ông Nguyễn Chí Thanh đi theo con đường cách mạng đều có dấu chân ông đi trước: Huế mùa thu Cách mạng; Hà Nội những ngày trăn trở vì miền Nam chưa được giải phóng khỏi ách quân xâm lược; Chiến trường Nam bộ ác liệt, mất còn và đi đâu cũng âm vang tinh thần đanh thép của “Đề cương cách mạng Miền Nam”; Hà Nội những ngày say sưa chuẩn bị cho “Kế hoạch X”, giải phóng đất nước để đón Bác Hồ vào với miền Nam ruột thịt.

Và cho đến ngày cuối cùng, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn người khiêng linh cữu của Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng…

Vào Nam đánh Mỹ đề tìm phương án thắng Mỹ

Có lần ông Vũ Kỳ sang nhà chơi và kể lại cho bà Cúc (bà Nguyễn Thị Cúc – vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) nghe câu chuyện sau:

Khi đó là đầu năm 1964, Bộ Chính trị họp về tình hình miền Nam. Bác Hồ nói hiện Tổng thống Mỹ Johnson có gửi thư ngỏ, đề nghị đình chiến, miền Bắc không can thiệp vào miền Nam, quân Mỹ tiếp tục ở lại, hai bên sẽ đàm phán hòa bình dưới sự giám sát của Mỹ, nếu không thì đây là tối hậu thư để Mỹ đánh ra miền Bắc.

Những hình ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội.

Những hình ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội.

Lúc đó ông Thanh đứng lên: “Thưa Bác, tôi được gọi đến đây để bàn về phương án đánh Mỹ chứ tôi không bàn về đánh hay không đánh. Xin phép Bác bàn về đánh Mỹ thì tôi có ý kiến, còn bàn về đánh hay không thì tôi không có ý kiến”.

Cuối cùng, kết quả của những cuộc thảo luận ấy cũng đã được thể hiện rõ mà ai cũng biết, qua Lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch vào buổi chiều ngày 27/12/1965 tại Hội nghị Trung ương 12, được coi là “Hội nghị Diên Hồng” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Quyết tâm đánh Mỹ thì đã rõ, nhưng đánh Mỹ như thế nào? Phương án ra sao? Ông Thanh báo cáo với Bác, với Bộ Chính trị: “Về phương án đánh Mỹ thì không thể ngồi ở Hà Nội để bàn được, mà phải tìm cách đánh Mỹ ngay ở ngoài mặt trận. Cứ đánh Mỹ đi đã rồi sẽ có phương án thắng Mỹ!”.

Khi đó Bác Hồ nói: “Mấy năm nay chiến trường miền Nam không có Ủy viên Bộ Chính trị, cần bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào giúp cho miền Nam”. Ông Thanh liền đứng lên: “Thưa Bác, thưa Bộ Chính trị, tôi sức khỏe tốt, đã sẵn sàng tinh thần. Xin Bác và Bộ Chính trị cho tôi vào Nam để bước đầu tìm phương án đánh Mỹ”. Ông Thanh nói rõ là “vào Nam để tìm phương án đánh Mỹ”.

Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời

Giữa năm 1964, ông Thanh lên đường vào miền Nam, đảm nhiệm cương vị Đại diện Bộ Chính trị, kiêm Bí thư quân ủy Miền, Chính ủy Quân giải phóng Miền Nam. Trong hơn hai năm ở miền Nam, ông thường xuyên nhận được chỉ thị của Bác Hồ và Bộ Chính trị, một số ít ký tên “BCT”, còn phần lớn là “Thư anh Ba gửi anh Xuân”, và ngược lại báo cáo của ông Thanh gửi Bộ Chính trị và Bác Hồ đều đề “Thư anh Xuân gửi anh Ba” (anh Ba là ông Lê Duẩn, anh Xuân là ông Nguyễn Chí Thanh).

Trong các bức thư đó, điều mà hai ông trao đổi nhiều nhất là phương án đánh Mỹ, mà nó phải được chứng minh cụ thể bằng những kết quả ngay ngoài mặt trận, với những trận đánh thăm dò nay đã trở thành lịch sử như Vạn Tường, Đất Cuốc, Ấp Bắc, Ba Gia, Bình Giã…

“Anh Ba” hỏi, “anh Xuân” trả lời bằng các trận thắng dòn giã, dứt điểm. Những chiến thắng đầu tiên vang dội đó không chỉ vạch ra cho chúng ta con đường đánh Mỹ mà còn khẳng định nhất định sẽ thắng Mỹ, và củng cố quyết tâm đánh Mỹ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cùng các đại biểu trong giờ giải lao, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ ba, tháng 5/1962. Ảnh tư liệu

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cùng các đại biểu trong giờ giải lao, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ ba, tháng 5/1962. Ảnh tư liệu

Như một “cuộc đối thoại giữa hai bán cầu não bộ”, anh Ba gửi anh Xuân: “Có người nói Bình Giã như là một Điện Biên Phủ nhỏ. Trước Bình Giã, Mỹ đã dao động và hoài nghi. Nhưng sau Bình Giã, chúng thấy rõ là quân đội ta có khả năng tiêu diệt được quân cơ động địch. Cho nên, Mỹ thấy “chiến tranh đặc biệt” sẽ thua, nếu chúng không thay đổi chiến lược”…

Cả nhà lãnh đạo Đảng và vị tướng trận đều thống nhất với nhau rằng, Mỹ - cường quốc số một thế giới nhưng rất sợ bị sa lầy, do đó sẽ luôn ở vào thế bị động trên chiến trường miền Nam.

Cuối năm 1966, sau 2 năm vào Nam trực tiếp “đánh Mỹ để tìm phương án thắng Mỹ”, với một loạt chiến thắng trên khắp các chiến trường bằng tư tưởng quân sự độc đáo: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, anh Xuân quay ra Hà Nội, báo cáo với Bác Hồ, với Bộ Chính trị và anh Ba: “Quân và dân miền Nam trong chỉ đạo chiến tranh đã đánh giá địch, ta một cách khách quan, khoa học, phát huy tính hơn hẳn của chiến tranh nhân dân, khắc phục được chỗ yếu về vật chất, biến lực lượng chính trị thành lực lượng quân sự, ưu thế chính trị thành ưu thế quân sự, khoét sâu chỗ yếu của địch, đưa chúng vào thế ngày càng bị động”.

Trong rất nhiều trường hợp, khi gặp vướng mắc về những vấn đề chiến lược, ông Thanh thường tìm đến ông Duẩn.

Trung tướng Phạm Quang Cận, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, kể lại: “Mùa hè năm 1967, chúng tôi giúp việc anh Thanh chuẩn bị bài “Sơ kết Chiến dịch Mùa Khô 1965-1966”. Một cảm giác rõ ràng của chúng tôi khi đó: Anh Thanh có nhiều điểm tâm đầu ý hợp với anh Ba. Thực ra không phải chỉ là cảm giác. Chính anh Thanh tâm sự: “Anh Ba luôn có những phát kiến mới, đôi khi có những cái mới quá làm mình cũng phải suy nghĩ kỹ nhưng sau thấy anh Ba đúng, rất đúng!”. Anh nhìn chúng tôi, vẻ suy nghĩ: “Làm bài tổng kết này, phải biết “rút ruột” (ý kiến) của anh Ba”.

Một lần tâm sự với nhà báo Phan Quang, ba tôi nói về bác Ba: “Anh Ba Duẩn là một trong số những người lãnh đạo lâu năm nhất ở Trung ương, sau Bác Hồ. Mình còn ít tuổi, anh đã vào Trung ương, hoạt động khắp Bắc, Trung, Nam, ở đâu cũng có dấu chân anh. Mình ít thấy người sâu sắc và nhìn vấn đề gì cũng có tầm xa và sáng tỏ như anh Ba”.

Có lẽ ví tư duy của 2 ông như sự đồng cảm giữa hai bán cầu não chưa đủ, vì ngoài những điểm đồng, điểm trùng, điểm thống nhất thì “hai bán cầu” cũng không ít lần đi trái chiều, để rồi lại đi đến thống nhất và tiếp tục vận động với một cường độ cộng hưởng, mạnh hơn rất nhiều.

Đấy là những gì tôi biết về sự giao thoa của hai “bán cầu não”, sự đồng cảm giữa hai nhà lãnh đạo, có cùng một chí hướng và ước mong cháy bỏng - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho nhân dân.

Tôi không biết những gì hai ông trao đổi với nhau để thực hiện quyết tâm này, nhất là trong những ngày ông Thanh chuẩn bị quay về Nam lần thứ hai. Để sáng hôm đó, ông Thanh đột ngột từ trần, ông Ba đau xót thốt lên: “Tất cả những điều tâm huyết, dặn dò, tâm đắc với anh, anh đã mang đi theo cả rồi!”.

* Kỳ tiếp theo: Ký ức về bữa cơm ngày chiến thắng và giọt nước mắt của ông Ba

Thái An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-dong-cam-giua-nha-lanh-dao-dang-va-vi-tuong-tran-2189387.html