Sử dụng AI không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe và niềm tin

Việc trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ đang ngày càng đặt ra câu hỏi về mối nguy của nó trong việc tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch, thậm chí có thể gây hại cho cả sức khỏe và niềm tin vào thông tin.

AI sáng tạo là một thuật ngữ mô tả việc máy tính tạo nội dung mới, chẳng hạn như văn bản, ảnh, video, nhạc, mã, âm thanh và nghệ thuật, bằng cách xác định các mẫu trong dữ liệu hiện có. Các nền tảng phổ biến nhất bao gồm ChatGPT, Dall-E và Midjourney.

 Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Vào tháng 5, người dùng đã lan truyền một bức ảnh mà họ cho là cho thấy một vụ nổ gần Lầu Năm Góc, cho rằng Mỹ đang bị tấn công. Mặc dù câu chuyện là một trò lừa bịp dựa trên một bức ảnh do AI tạo ra, nhưng hậu quả là có thật. Bức ảnh được chia sẻ bởi các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn và thị trường chứng khoán lao dốc trong một thời gian ngắn.

Có nhiều cách khác để AI sáng tạo có thể gây hại khi bị lạm dụng, chẳng hạn như để tạo quảng cáo chính trị hay như việc để tự chẩn đoán các vấn đề y tế. Các chuyên gia cho biết, dưới mọi hình thức, việc lạm dụng nó có thể làm xói mòn niềm tin vào các thể chế và quy trình công dân như bỏ phiếu.

“Tôi nghĩ rằng niềm tin không được kiểm định là một vấn đề", ông Chenhao Tan, trợ lý giáo sư khoa học máy tính của Đại học Chicago cho biết. “Mọi người có thể quá tin tưởng vào AI mà không hiểu đúng về những gì họ có thể hoặc không thể làm với AI, hoặc không biết cách kiểm tra kết quả của họ hoặc từ bỏ quyền tự quyết của con người".

Dưới đây là 3 tình huống cần biết khi nào các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể đánh lừa hoặc gây hại.

Tự chẩn đoán y tế

Sử dụng các công cụ trực tuyến để đánh giá các triệu chứng không phải là một hiện tượng mới và nó đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, khi mọi người được khuyến khích tự đánh giá và tự phân loại.

Nhưng với các công cụ như ChatGPT, mọi người có thể hỏi nhiều câu hỏi có mục tiêu hơn, ông Jason Fries, một nhà khoa học nghiên cứu của Đại học Stanford, cho biết. Một nhược điểm là họ có thể không biết cách diễn giải kết quả mà họ nhận được.

“Rất nhiều người chưa hiểu biết nhiều về AI và họ chưa thực sự sẵn sàng để hoài nghi câu trả lời của chatbot", ông cho hay. “Vì vậy, sẽ có những người không biết rằng các chatbot này chỉ đang bịa ra thông tin”. Ông gọi đó là “chế độ nguy hiểm thực sự” khi không hiểu rằng AI có thể tạo ra thông tin không trung thực.

Bà Maha Farhat, giáo sư tin học y sinh của Trường Y Harvard cho biết, việc chăm sóc y tế không chỉ liên quan đến việc truyền đạt thông tin hoặc chẩn đoán bằng mắt, mà chúng còn cần phải được bối cảnh hóa. Dù rằng trong một số trường hợp, AI có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về chẩn đoán.

Bà cũng nói rằng độ tin cậy của ChatGPT không được đo lường chính xác so với “tiêu chuẩn vàng” khi nói chuyện với một chuyên gia y tế. Bệnh nhân có thể tìm kiếm thông tin và tìm hiểu về các triệu chứng của họ thông qua các công cụ như ChatGPT, nhưng họ không nên tự dùng thuốc hoặc dựa vào kết quả chẩn đoán mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

“Không nên đưa ra quyết định y tế nào dựa trên AI sáng tạo ở tình trạng hiện tại mà không có bằng chứng bổ sung", Farhat cảnh báo và cho biết thêm rằng việc sử dụng AI để tự chẩn đoán có thể dẫn đến chẩn đoán sai và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe.

Các cuộc bầu cử

AI đã và đang thay đổi cục diện chiến dịch trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2024. Những hình ảnh do AI tạo ra, đôi khi trông rất giống thật, có thể làm sai lệch các thông tin và gây nhiễu loạn.

Công nghệ giả dạng khuôn mặt deepfake cũng đã lan truyền thường xuyên trên mạng xã hội và các tiến bộ mới về AI đang khiến nó dễ dàng được sử dụng bởi cả những người không giỏi công nghệ.

Ông Darrell West, thành viên cấp cao của Trung tâm Đổi mới Công nghệ tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết ông tin sẽ có nhiều video và âm thanh được tạo ra trong tương lai liên quan tới các ứng cử viên tổng thống Mỹ tới đây.

Ông nói, điều nguy hiểm là “cử tri có thể tin vào chúng và đưa ra quyết định bỏ phiếu của họ dựa trên thông tin đó... Trong một cuộc đua sát nút, bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng tới vài nghìn phiếu bầu đều có thể mang tính quyết định".

Xói mòn niềm tin

Bà Mekela Panditharatne, cố vấn cho chương trình dân chủ tại Trung tâm Tư pháp Brennan tại Trường Luật Đại học New York, cho biết AI tổng quát có thể tăng quy mô nội dung nhằm ngăn chặn hoặc ngăn cản mọi người bỏ phiếu. Bà nói rằng AI có thể tự động hóa việc tạo ra thông tin sai lệch, thuyết phục về cách thức, thời gian và địa điểm bỏ phiếu.

Bà Panditharatne cho biết các nền tảng AI tổng quát lấy dữ liệu từ mạng trực tuyến hiện có, bao gồm cả các tuyên bố sai sự thật về cuộc bầu cử năm 2020. Bà cho biết có những lo ngại rằng các công cụ AI tổng quát có thể bị khai thác để khuếch đại thông tin sai lệch nhằm “tìm cách giảm niềm tin vào các quy trình bầu cử”.

“Chúng tôi vẫn đang xem chính xác cách AI có thể tác động đến không gian bầu cử, nhưng sự hiện diện và khả năng phổ biến của các nội dung do AI tạo ra có thể làm giảm niềm tin vào môi trường thông tin nói chung”, bà nói.

Các chuyên gia cho biết việc sửa chữa thông tin không dễ dàng khi mọi người đã nhìn thấy. “Mọi người không làm việc như một chiếc máy tính. Nó không giống như việc bật một công tắc”, Tan, thuộc Đại học Chicago, cho biết. “Việc tiếp xúc với thông tin sai lệch ban đầu rất khó khắc phục một khi nó đã xảy ra".

Hoàng Tôn (theo Poynter)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-dung-ai-khong-dung-cach-co-the-gay-hai-cho-suc-khoe-va-niem-tin-post256987.html