Sử dụng chữ ký số cá nhân còn mới mẻ với nhiều người dân
Một nguyên nhân dẫn đến số lượng chứng thư số cá nhân còn thấp là nhiều người dân chưa hiểu rõ lợi ích cũng như chưa biết cách sử dụng chữ ký số trong việc thực hiện các giao dịch trên mạng.
Cả nước có gần 1 triệu chứng thư số cá nhân
Bộ TT&TT đã xác định trong 8 yếu tố đặc trưng của xã hội số mà Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy, có chữ ký số cá nhân. Việc mỗi người dân có 1 chữ ký số cá nhân trên điện thoại di động sẽ cho phép thực hiện mọi dịch vụ trên không gian mạng một cách trực tuyến, toàn trình từ đầu đến cuối mà không cần phải hiện diện.
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu 50% dân số trưởng thành có chữ ký số vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng triển khai nhiều giải pháp.
Thời gian gần đây, NEAC đã liên tục chủ trì tổ chức các hội thảo về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số tại các địa phương nhằm góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng chữ ký số, từ đó giúp họ có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy, phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2023” diễn ra ngày 28/9, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia khẳng định việc thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là một nhiệm vụ hết sức thiết thực và quan trọng mà Bộ TT&TT được Chính phủ giao.
“Việc triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, doanh nghiệp”, bà Tô Thị Thu Hương cho hay.
Tại Việt Nam, 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 8, số lượng chứng thư số đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có hơn 1,8 triệu chứng thư số của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; và gần 1 triệu chứng thư số cá nhân.
Cần làm gì để người dân sử dụng chữ ký số hàng ngày?
Đại diện NEAC cũng điểm ra một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng chữ ký số cá nhân còn thấp như người dân, doanh nghiệp chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng chữ ký số chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử...
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Khơ Din, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp Bkav, một trong những doanh nghiệp đang tham gia phổ cập chữ ký số cá nhân tại các địa phương cho rằng: Để người dân có thể biết và sử dụng chữ ký số hàng ngày thì đòi hỏi phải có các dịch vụ chấp nhận chữ ký số phổ biến.
“Hiện nay, các ứng dụng và dịch vụ chấp nhận chữ ký số vẫn còn hạn chế, do vậy khi người dân được cấp chữ ký số xong họ cũng chưa biết ứng dụng vào việc gì. Chúng ta có thể hiểu nôm na người dân được cấp cho bút nhưng không có giấy để ký thì hiệu quả đem lại chưa cao”, ông Nguyễn Khơ Din phân tích.
Chia sẻ tình hình ứng dụng chữ ký số tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, Sóc Trăng đã triển khai chữ ký số trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ năm 2016. Đến nay, đã cấp phát gần 5.000 chữ ký số để phục vụ ký trên văn bản điện tử các cơ quan nhà nước.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các giao dịch hầu hết được thực hiện trên môi trường điện tử, mỗi cán bộ, mỗi người dân cần có chữ ký số để xác thực thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. “Tuy nhiên, việc mỗi cá nhân, tổ chức sử dụng chữ ký số để xác thực thông tin cá nhân còn khá mới và chưa biết cách thức tổ chức thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Hạnh nhận xét.
Một lần nữa nhấn mạnh ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng, đại diện Sở TT&TT Sóc Trăng thông tin: Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, hồ sơ bệnh án…
Tại hội nghị, đại diện Sở TT&TT Sóc Trăng đã ký kết với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng các doanh nghiệp VNPT, Viettel, MISA, Bkav, FPT IS, SAVIS, Nacencomm biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo biên bản ghi nhớ phối hợp, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được các CA công cộng cấp chữ ký số sử dụng cho dịch vụ công miễn phí trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, các CA công cộng cũng dành nhiều ưu đãi khác cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng khi chọn dùng dịch vụ chứng thực chữ ký số và các dịch vụ số khác.