Sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong cơ quan nhà nước: Góp phần xây dựng chính quyền hiện đại

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) như hiện nay, việc ứng dụng chữ ký số, chứng thư số trong cơ quan nhà nước là nhu cầu cần thiết, phục vụ công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền số. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, đẩy mạnh triển khai từ tỉnh đến cơ sở, qua đó, đạt kết quả tích cực.

Công chức UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng thực hiện ký số trên văn bản điện tử

Công chức UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng thực hiện ký số trên văn bản điện tử

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Từ năm 2015, khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan hành chính Nhà nước, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã tổng hợp nhu cầu đăng ký sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng gửi Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và các giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, chúng tôi thường xuyên rà soát hạ tầng kỹ thuật CNTT, hệ thống mạng nội bộ, mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động thông suốt, liên tục và đảm bảo an toàn thông tin.

Qua từng năm việc triển khai sử dụng chứng thư số, chữ ký số đã được thực hiện đồng bộ trong các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp xã. Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước đều sử dụng chữ ký số trong giải quyết công việc. Tính đến nay, Sở TT&TT đã đề nghị Cục Chứng thực số và Bảo mật Thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cấp được 22.826 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.703 chứng thư số cho tổ chức; 21.123 chữ ký số cho cá nhân; 232 sim ký số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận thông điệp điện tử, văn bản điện tử và chứng thực điện tử.

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng. Mối quan hệ giữa chữ ký số và chứng thư số là mối quan hệ hỗ trợ. Trong khi chứng thư số là cơ sở để đối tác có thể xác nhận việc ký số có đúng hay không, thì chữ ký số đóng vai trò xác nhận thông tin văn bản, hoặc cam kết của cá nhân hay tổ chức.

Việc sử dụng chữ ký số, chứng thư số mang lại nhiều tiện ích, góp phần xây dựng chính quyền hiện đại, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính. Chẳng hạn nếu theo cách truyền thống việc xử lý văn bản mất nhiều thời gian, công sức, phải trải qua các bước như in tài liệu, trình lãnh đạo ký, lấy số văn bản, scan và đính tài liệu lên hệ thống để phát hành thì với việc áp ứng chứng thư số, chữ ký số, các thao tác được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản nhanh gọn, tiện lợi hơn. Đặc biệt, với việc áp dụng chữ ký số cũng tạo thuận lợi trong giải quyết công việc khi lãnh đạo bận họp hoặc bận công tác không có mặt tại cơ quan để ký trực tiếp.

Tìm hiểu thực tiễn tại UBND thành phố Lạng Sơn nhận thấy đây là một trong những đơn vị có các tổ chức, cá nhân tích cực sử dụng chứng thư số, chữ ký số. Tính đến hết tháng 7/2023, UBND thành phố đã phối hợp với Sở TT&TT cấp được 79 chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND các phường, xã; 56 chữ ký số cho cơ quan, đơn vị. Mỗi ngày đơn vị tiếp nhận, phát hành hằng trăm loại văn bản do đó khi áp dụng chữ ký số, chứng thư số đã mang lại nhiều tiện ích thiết thực.

Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Hiện nay, trừ những văn bản mật, hầu hết văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ban hành 6.500 văn bản, trong đó có 6.416 văn bản ký số điện tử, đạt 98,7%. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của cán bộ chuyên môn và kinh phí cho việc in ấn, giấy mực. Đồng thời, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ từ trực tiếp sang giải quyết công việc trên môi trường mạng; góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, việc dùng chữ ký số nâng cao mức độ an toàn, bảo mật cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng.

Ngoài ra, để giúp đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh sử dụng chứng thư số, chữ ký số thành thạo, Sở TT&TT cũng chủ động tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến, hướng dẫn quản lý, sử dụng cho cán bộ lãnh đạo, công chức trung bình mỗi năm từ 1 đến 2 lớp, lồng ghép bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ người dùng ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị.

Sử dụng chữ ký số, chứng thư số được xem là giải pháp hiện đại, thuận tiện, nhanh, an toàn, phần nào phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT tăng cường giám sát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong thực hiện ký số.

HOÀNG HIẾU - PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/602185-su-dung-chu-ky-so-chung-thu-so-trong-co-quan-nha-nuoc-gop-phan-xay-dung-chinh-quyen-hien-dai.html