Sử dụng công nghệ mới, Trung Quốc tìm thấy 'kho báu' ở độ sâu chưa từng thấy: Đột phá lớn!
Theo các nhà khoa học, việc tìm thấy 'kho báu' này ở độ sâu hàng nghìn mét, giúp tăng nguồn dự trữ ước tính hơn 2 triệu tấn, đưa Trung Quốc sánh ngang với Australia.
"Kho báu" này chính là mỏ uranium. Theo các nhà chức trách Trung Quốc, việc các nhà nghiên cứu của họ phát hiện ra mỏ uranium ở độ sâu chưa từng thấy được coi là bước đột phá đối với an ninh quốc gia của đất nước. Đồng thời phát hiện này cũng có thể thay đổi hiểu biết của cộng đồng khoa học về sự hình thành uranium, tạo ra một con đường mới cho việc phát hiện uranium trên toàn thế giới.
Theo các nhà khoa học tham gia vào dự án, việc tìm thấy mỏ quặng uranium khổng lồ này giúp nâng tổng nguồn dự trữ lên gấp 10 lần, ước tính hơn 2 triệu tấn. Con số này đưa Trung Quốc sánh ngang với Australia, một trong những quốc gia giàu uranium nhất trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu đằng sau phát hiện này đã tiến hành sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất để khám phá độ sâu lên tới 3.000 mét, tức là sâu hơn gấp 6 lần so với hầu hết các mỏ uranium ở Trung Quốc.
Mỏ uranium khổng lồ mới được phát hiện sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng về điện hạt nhân khi nước này chuyển hướng sang sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải carbon. Bên cạnh đó, uranium cũng được phục vụ cho khai thác công nghiệp và sản xuất vũ khí.
Trước đó, phần lớn mỏ uranium được tìm thấy ở Trung Quốc đều nhỏ về quy mô và có chất lượng quặng ‘nghèo nàn’. Chính vì vậy, nguồn cung chủ yếu (hơn 70%) phải nhập khẩu từ những quốc gia khác như Kazakhstan, Canada, Australia.
Ông Li Ziying, Giám đốc Viện Nghiên cứu Địa chất Uranium ở Bắc Kinh, cho biết phát hiện mới này thách thức giả thuyết của nhiều người về quá trình hình thành mỏ uranium. Trước đó, các chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng uranium chỉ tập trung ở khu vực nông và có sự ổn định về mặt địa lý.
Tuy nhiên, một số mỏ uranium lớn nhất được tìm thấy ở miền Nam Trung Quốc trong những năm gần đây lại nằm ở độ sâu hơn 1.500 mét. Các khu vực tìm thấy mỏ uranium đã trải qua vận động kiến tạo dữ dội. Điều này khiến cho việc hình thành uranium dài và phức tạp trở nên bất khả thi, theo các quan điểm, lý thuyết trước đây.
Ông Li và các cộng sự phát hiện uranium có thể bị đẩy thẳng lên khỏi lớp phủ và mắc kẹt ở trong các "điểm nóng" cách bề mặt Trái Đất hàng nghìn mét trong các vụ va chạm kiến tạo lớn.
Tuy nhiên, khó khăn chính là ở chỗ thực tế có rất ít manh mối ở trên mặt đất về các mỏ uranium sâu.
Việc xác định chính xác được vị trí của mỏ uranium là rất khó. Trong một cuộc phỏng vấn với Science and Technology Daily, ông Li chia sẻ: "Việc xác định vị trí của mỏ uranium khó không kém gì so với việc tìm một chiếc đĩa CD trên một khu vực rộng tới 10.000 km2".
Công nghệ mới giúp phát hiện mỏ uranium
Tuy nhiên, theo bài báo của ông Li và các cộng sự đăng trên tạp chí Bulletin of Mineralogy, Petrology and Geochemistry, trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng đã phát triển ra công nghệ và thiết bị tiên tiến để hỗ trợ cho việc tìm kiếm uranium ở sâu bên dưới mặt đất.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một cảm biến trên không siêu nhạy được điều khiển từ xa cho phép họ phát hiện được các dấu vết nhiệt cực nhỏ được tạo ra bởi các mỏ uranium từ bên dưới mặt đất với độ chính xác chưa từng có và trên khu vực rộng lớn.
Sau khi phát hiện, nhóm các chuyên gia đã sử dụng một máy khoan với mũi khoan đặc biệt nhằm lấy các mẫu vật từ độ sâu chưa từng có với hiệu quả lớn hơn so với trước kia. Sau cùng, các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tăng tốc phân tích dữ liệu.
Phương pháp mới này có thể được sử dụng trên toàn cầu để giúp các quốc gia khác tìm kiếm được các mỏ uranium ẩn sâu bên dưới mặt đất.
Theo một nhà nghiên cứu về nhiên liệu hạt nhân tại Bắc Kinh, phát hiện mới về mỏ uranium này không làm thay đổi ngay lập tức về sự phụ thuộc của Trung Quốc vào uranium nhập khẩu, bởi vì vẫn còn nhiều thách thức về chi phí và kỹ thuật để có thể tiến hành khai thác các mỏ uranium.
Nhà nghiên cứu giấu tên cho biết thêm: "Nhưng về lâu dài, phát hiện trên có thể sẽ có tác động sâu sắc đến vị thế của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu".
Ngoài việc tìm kiếm các mỏ uranium, Trung Quốc cũng đang tiến hành đầu tư mạnh vào việc phát triển vật liệu lọc uranium từ nước biển. Để cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu, các nhà chức trách hạt nhân của Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng một số cơ sở tái chế chất thải hạt nhân bằng cách sử dụng các công nghệ khác nhau, bao gồm cả máy gia tốc hạt.
Hiện tại, ở thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, thuộc tây bắc Trung Quốc, đang tiến hành xây dựng một lò phản ứng muối nóng chảy thử nghiệm sử dụng thori. Đây là một loại nhiên liệu hạt nhân mới mà Trung Quốc có được nguồn cung dồi dào.
Uranium được coi là một trong những nguyên tố nặng nhất. Uranium có tính ứng dụng cao nhờ khả năng lưu trữ và giải phóng năng lượng khổng lồ.
Theo các nhà khoa học, trên thực tế, 1 kg uranium-235 hoàn toàn có thể giải phóng được năng lượng hóa học tương đương với việc đốt tới 1,5 triệu kg than. Nhờ khả năng lưu trữ và giải phóng năng lượng đột ngột và bùng nổ này nên uranium được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân và chế tạo vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như bom nguyên tử.
Bài viết tham khảo nguồn: SCMP; Interestingengineering; Iflscience