Sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Lợi ích lớn

Sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không chỉ giúp tỉnh Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu hạ thấp bãi thải mỏ mà còn giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững.

Giảm áp lực khu đổ thải các mỏ

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu đất, cát san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh lên tới trên 100 triệu m3/năm. Trong khi đó, khối lượng đất, đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý khoảng 1.210 triệu m3, lượng đất đá thải phát sinh hàng năm 150 triệu m3; khối lượng đất, đá thải tại các mỏ do Tổng công ty Đông Bắc quản lý 268,5 triệu tấn.

 Bãi thải tại khu vực Đông Cao Sơn (TP. Cẩm Phả) tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở mỗi mùa mưa, bão

Bãi thải tại khu vực Đông Cao Sơn (TP. Cẩm Phả) tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở mỗi mùa mưa, bão

Ngoài ra, mỗi năm, có trên 100 triệu m3 đất, đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm mà ngành than đã phải đổ. Điều này dẫn đến việc hình thành những bãi thải mỏ cao trên 300m so với mực nước biển như bãi thải Đông Cao Sơn và có những bãi thải đã tồn tại nhiều năm, gần khu dân cư, có nguy cơ cao về sự cố sạt lở, mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân. Hàng năm, ngành than đã phải bỏ ra một khoản kinh phí từ 1 - 1,5% chi phí sản xuất để giải quyết tồn tại từ những bãi thải mỏ như hỗ trợ di dời người dân sống xung quanh các vùng có nguy cơ sạt lở cao ra nơi khác…

Tháng 10/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5526/BTNMT-ĐCKS thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết việc khai thác, sử dụng đất, đá tại bãi thải tại mỏ than Núi Béo với trữ lượng khoảng 700.000 m3 để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1. Đây được coi là giải pháp tối ưu giúp giảm áp lực khu đổ thải của các mỏ, vừa tận thu được nguồn đất, đá làm vật liệu san lấp, mang lại lợi ích kinh tế theo hướng tuần hoàn. Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ sử dụng đất, đá thải của mỏ Nam Khe Tam và Than Cọc Sáu.

Dần hoàn thiện quy trình quản lý

Dự kiến, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, hiện, các đơn vị, sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với TKV và Công ty Cổ phần Than Núi Béo nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, trên cơ sở các quy định pháp luật, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần hoàn thiện quy trình quản lý, đảm bảo đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đang làm việc với TKV, Tổng công ty Đông Bắc để xác định lại chính xác trữ lượng đất, đá thải huy động được; nhu cầu đất, đá san lấp tại các dự án để báo cáo lại UBND tỉnh Quảng Ninh. Đối với những bãi thải mỏ đã đóng cửa mỏ, tỉnh đã yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc sớm bàn giao lại cho tỉnh để quản lý...

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng, vị trí, cung đường vận chuyển đối với từng dự án, cơ quan chức năng sẽ quyết định cụ thể việc lấy đất, đá từ các bãi thải mỏ trong tỉnh vận chuyển đến vị trí dự án. Trong đó, sẽ ưu tiên lấy đất, đá tại những bãi thải mỏ gần khu vực dự án, có cung đường vận chuyển ngắn nhất; sử dụng những phương tiện, thiết bị vận chuyển chuyên dụng như ôtô phủ kín thùng…, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tỉnh Quảng Ninh và TKV đang nghiên cứu việc đưa các moong lộ thiên đã kết thúc khai thác trở thành những hồ dự trữ nước ngọt. Phương án này giúp vừa bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước; vừa giảm được chi phí và thời gian so với phương án hoàn nguyên với chi phí tốn kém như trước đây.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/su-dung-dat-da-thai-mo-lam-vat-lieu-san-lap-loi-ich-lon-155831.html