Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã còn hạn chế
ĐBP - Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh công khai 1.764 thủ tục hành chính, trong đó có 587 thủ tục mức độ 4. Tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Thậm chí, nhiều xã đến nay vẫn chưa phát sinh hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Người dân làm hồ sơ, thủ tục theo hình thức trực tiếp tại bộ phận “một cửa” xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.
Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, công văn về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện hệ thống “một cửa” điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, thành lập tổ công tác trực tiếp xuống các xã hướng dẫn cho cán bộ bộ phận “một cửa” tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ quan tâm, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã rất thấp.
Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, từ đầu năm 2022 đến ngày 16/2/2022, tổng số hồ sơ phát sinh qua cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 8.479 hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ kỳ trước chuyển sang); trong đó, dịch vụ công mức độ 3, 4 gần như chưa phát sinh hồ sơ. Toàn tỉnh có 17/129 xã, phường chưa phát sinh hồ sơ, như: Nậm Kè, Chung Chải và Sín Thầu (huyện Mường Nhé); Phì Nhừ (Điện Biên Đông) và Mường Lói, Thanh Xương (huyện Điện Biên)... Một số xã phát sinh ít hồ sơ, như: Xuân Lao (huyện Mường Ảng); Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ)... Thậm chí ngay tại TP. Điện Biên Phủ tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến tại một số xã, phường còn thấp, như: Phường Him Lam (1 hồ sơ); xã Nà Tấu chưa phát sinh hồ sơ.
Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) là một trong những xã có mức độ phát sinh hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến thấp. Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ phát sinh 1 hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Theo ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình thì xã cũng bố trí cán bộ, công chức trực tại bộ phận một cửa, trực tiếp hướng dẫn người dân thao tác, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc; nâng cấp, trang bị máy tính để hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến khi đến giao dịch. Tuy nhiên, đa số người dân là lao động nông thôn, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người vẫn là nộp trực tiếp hồ sơ cho yên tâm. Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Do đó cần phải tháo gỡ “nút thắt” về thói quen và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ cơ sở, người dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn triển khai dịch vụ công trực tuyến. Các cấp, ngành chức năng chủ động hỗ trợ, hướng dẫn đội ngũ cán bộ công chức tại bộ phận “một cửa” các xã, thị trấn; xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, người dân để chủ động tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.