Sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Với những tiện ích, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí... những năm gần đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảm bảo hoạt động TTKDTM diễn ra thuận lợi, thông suốt, ngành Ngân hàng tỉnh đã tích cực vào cuộc, triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện kết nối, giao dịch thanh toán qua ngân hàng...
Để thực hiện Đề án TTKDTM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, triển khai các cơ chế, chính sách về TTKDTM; thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; thực hiện các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán... nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp về miễn, giảm phí dịch vụ TTKDTM để khuyến khích tổ chức, người dân sử dụng hình thức thanh toán này. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại; triển khai đồng bộ các quy định về cơ chế thu, trả phí đối với dịch vụ TTKDTM...
Ngành Ngân hàng cũng đã chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ, nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ TTKDTM ngày càng cao của xã hội. Hiện nay, hệ thống ngân hàng tỉnh có 16.021 điểm, 143 phòng giao dịch chấp nhận TTKDTM, 200 máy ATM, trong đó 20 máy gửi, rút tiền tự động (Autobank), đặc biệt Chi nhánh Ngân hàng Nam Á đã lắp đặt Hệ sinh thái số Onebank, 1.035 máy POS, 14.567 điểm cài đặt quét mã QR code...
Ngoài ra, trên 5.100 điểm chấp nhận TTKDTM của các tổ chức trung gian thanh toán khác (Viettel Phú Thọ, VNPT Phú Thọ, Mobifone), tổng số điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên địa bàn đạt 21.170 điểm, vượt xa kế hoạch đề ra (đến năm 2025 là trên 3.000 điểm), tăng mạnh nhất là số điểm cài đặt quét mã QR code.
Triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng đã thúc đẩy dịch vụ TTKDTM phát triển trên tất cả các lĩnh vực, số lượng và giá trị giao dịch tăng nhanh. Trong năm 2023, tổng giao dịch TTKDTM tại các ngân hàng trên địa bàn đạt trên 83,2 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.250 nghìn tỉ đồng (tăng 62,9%/năm về số lượng và tăng 38,6%/năm về giá trị), trong đó qua kênh internet đạt trên 11,5 triệu giao dịch, qua kênh điện thoại di động đạt hơn 53,1 triệu giao dịch, 3,9 triệu giao dịch bằng thẻ. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán điện tử bằng lệnh chi, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu và các phương tiện thanh toán khác đạt 14,5 triệu giao dịch với giá trị 474.121 tỉ đồng. Theo đó, thanh toán bằng tiền mặt trong những năm gần đây đã giảm đáng kể, tổng thu, chi tiền mặt năm 2023 của ngành giảm 6,1- 7,7% so với năm 2022.
Tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021- 2015 thực hiện dịch vụ thanh toán điện tử nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế trên địa bàn tỉnh với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt... Thời gian tới, ngành Ngân hành tiếp tục bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN Việt Nam để triển khai có hiệu quả công tác phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy- Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất lên các bộ, ban, ngành đẩy nhanh kế hoạch sửa đổi hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tích cực triển khai giải pháp về an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là an toàn, an ninh, bảo mật trong hoạt động thanh toán nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; mở rộng quy mô hoạt động thanh toán điện tử ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn... đi đôi với chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp.