Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả

Theo dự báo nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do: biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới các nhà máy thủy điện; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn khi mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Để hạn chế thiếu nguồn và cắt điện luân phiên trên diện rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương vào cuộc tuyên truyền triển khai đồng bộ giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo dự báo nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do: biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới các nhà máy thủy điện; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn khi mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Để hạn chế thiếu nguồn và cắt điện luân phiên trên diện rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương vào cuộc tuyên truyền triển khai đồng bộ giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hà Nam (EVNNPC), công suất sử dụng điện giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trung bình 15,5%/năm; giai đoạn năm 2020-2022 công suất tăng cao nhất tăng 8,88%/năm. Trong 10 tháng năm 2023, công suất sử dụng lớn nhất (Pmax) của tỉnh Hà Nam đạt 678 MW (lúc 14h00 ngày 27/7) tăng 4,3% so với cùng kỳ 2022. Về sản lượng điện thương phẩm, dự kiến năm 2023 đạt 3.980 tr.kWh, tăng 4,33% so với năm 2022. Trong các năm vừa qua, EVNNPC luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời thực hiện đầu tư lưới điện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, việc cung ứng điện vẫn gặp khó khăn. Đặc biệt, trong các tháng 5 - 6/2023 vừa qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời phụ tải miền Bắc tăng cao đột biến do nền nhiệt tăng, đã phải thực hiện tiết giảm/điều chỉnh công suất phụ tải.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban, ngành trong tỉnh, công tác phối hợp điều chỉnh phụ tải, điều tiết công suất; công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đã được triển khai kịp thời, góp phần bảo đảm vận hành an toàn Hệ thống điện Quốc gia. Cụ thể, PC Hà Nam thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trong việc khảo sát nhu cầu sử dụng điện, tư vấn sử dụng công nghệ sản xuất, xây dựng phương án cấp điện ổn định lâu dài. Qua thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi công nghệ, dây chuyền khi tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, tiết kiệm 15% - 20% công suất điện so với dây chuyền cũ, song hiệu suất hoạt động lại cao hơn trước.

Điển hình như Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đã đầu tư Dự án “Xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và 2 để phát điện’’. Tổng công suất lắp đặt gần 12 MW với tổng mức đầu tư (chưa bao gồm VAT) là 454 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có 40% và vốn vay 60%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Khi đi vào hoạt động ổn định, công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải này sẽ phát huy nhiều ưu điểm như: Tận dụng nhiệt thừa không tốn nhiên liệu để phát điện, giảm khí nhà kính, bụi, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị; giảm chi phí vận hành, tăng lợi nhuận; cung cấp khoảng 20 - 30% lượng điện sử dụng cho toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường; gián tiếp giảm 86.000 tấn CO2 do không dùng điện từ nhà máy nhiệt điện; giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn; tăng tuổi thọ và hiệu suất lọc bụi điện.

Đối với khách hàng gia đình, ngành điện tập trung tuyên truyền hướng dẫn từng hộ thay thế thiết bị điện lạc hậu, công suất lớn, bằng những thiết bị tiết kiệm điện. Mỗi khách hàng có hợp đồng mới đều được đơn vị tư vấn tỉ mỉ về sử dụng đồ điện hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Hiện nay sự thay đổi trong thói quen của khách hàng sử dụng điện theo hướng ngày một tiết kiệm hơn là kết quả của một quá trình dài nỗ lực tuyên truyền. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính khách hàng sử dụng điện mà còn giúp Điện lực Hà Nam thực hiện tốt công tác quản lý và vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, chống quá tải, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống lưới điện, nhất là vào thời điểm nắng nóng. Anh Nguyễn Văn Thành ở tổ 1, phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) chia sẻ: Nhiều năm qua khi mua sắm, lắp đặt các thiết bị điện trong gia đình tôi thường chọn sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm điện. Việc sử dụng đồ điện trong gia đình cũng rất cẩn thận, bảo đảm an toàn, tiết kiệm (máy giặt chỉ sử dụng khi đủ số lượng quần áo; điều hòa mở đặt ở 27oC trở lên; sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện và tận dụng tối đa ánh sáng ngoài trời). Với cách sử dụng này, một tháng gia đình tôi tiết kiệm được hàng trăm nghìn tiền điện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.

Công nhân Điện lực Duy Tiên lắp đặt TBA chống quá tải lưới điện. Ảnh: Trần Thoan

Để công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao, PC Hà Nam còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua đăng tải trên các mạng xã hội (fanpage và youtube). Các nội dung tuyên truyền bao gồm sử dụng an toàn các thiết bị điện trong gia đình; sử dụng an toàn điện trong mùa nắng nóng, mưa bão; bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; tiết kiệm điện.

Theo dự báo nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1313/KH - UBND, ngày 5/7/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, toàn tỉnh phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống lưới điện quốc gia).

Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh; thường xuyên đôn đốc, rà soát, kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện; xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý. Triển khai và áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khai thác và sử dụng cẩm nang công nghệ về tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng… phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/su-dung-dien-an-toan-tiet-kiem-hieu-qua-107375.html