Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

Vốn hỗ trợ phát triển (ODA) là một hình thức đầu tư nước ngoài thông qua khoản vay dài hạn, lãi suất thấp hoặc không lãi suất dành cho Chính phủ một nước được đầu tư, nhằm mục đích phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội. Từ nguồn vốn ODA, tỉnh ta chú trọng triển khai các chương trình, dự án, góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Ban quản lý các dự án ODA tỉnh giám sát thi công dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La.

Cán bộ Ban quản lý các dự án ODA tỉnh giám sát thi công dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La triển khai 5 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được huy động từ Ngân hàng thế giới (WB); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); vốn vay ODA của Chính phủ Đức và Thụy Sỹ; Cơ quan phát triển Pháp (AFD), với tổng đầu tư trên 2.614 tỷ đồng. Trong đó, Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)” hoàn thành tháng 6/2023; các dự án “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La”, “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Sơn La” đang triển khai.

Đối với 2 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai, tỉnh Sơn La” và “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Sơn La”, hiện nay, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Ngoài ra, tỉnh Sơn La đang thực hiện vận động Dự án “Tăng cường hạ tầng kết nối trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Sơn La” đề xuất sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), với tổng mức đầu tư hơn 3.667 tỷ đồng.

Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh đang quản lý, thực hiện 2 dự án, trong đó Dự án “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sỹ, tổng đầu tư trên 932 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1a đã thi công xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020, gồm các hạng mục: Hệ thống mạng đường ống thu gom nước thải cấp 1, 2 và mạng cấp 3; 5 trạm bơm, tổng công suất 2.187,97 m3/h; nhà máy xử lý nước thải với công suất 6.857 m3/ngày đêm.

Hiện nay, chủ đầu tư đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành hợp đồng, đáp ứng tiến độ tổng thể dự án. Ông Đào Mạnh Chiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh, thông tin: Đến tháng 5/2023, gói thầu số 12 hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa 8 tuyến đường chính. Gói thầu số 14 thực hiện cung cấp thiết bị, xây lắp bổ sung các trạm bơm, mạng lưới đường ống, đấu nối hộ thoát nước thi công phát lệnh khởi công từ tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành tháng 2/2024. Dự án hoàn thành sẽ tăng khả năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, góp phần đảm bảo môi trường khu vực thành phố Sơn La theo mục tiêu đề ra.

Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA phát huy hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đa số các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ đều hướng đến đầu tư hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạ tầng kết nối giao thông… là những hạ tầng tỉnh Sơn La đang cần tập trung nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, việc cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA gặp khó khăn do nguồn lực của tỉnh hạn hẹp. Theo quy định về quản lý dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay thực hiện theo cơ chế vay lại, với tỉnh Sơn La tỷ lệ vay lại 10%; có những dự án chuyển tiếp phải vay lại với tỷ lệ 30%, như: Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Sơn La” sử dụng vốn ODA của AFD, dẫn đến khó khăn cho tỉnh trong việc cân đối nguồn trả nợ...

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả, tỉnh cần xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, bám sát các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2021-2025 của tỉnh. Đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép; đảm bảo khoản vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong phạm vi hạn mức dư nợ được phép theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và mức vay, trả nợ trong năm được Quốc hội phê duyệt.

Sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả, tỉnh Sơn La ưu tiên đầu tư thực hiện các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng giao thông, đô thị, dân cư, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/su-dung-hieu-qua-nguon-von-oda-ScEs31ZSg.html