Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
Hội Nông dân tỉnh đang đứng ra nhận nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua 1.040 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc hội nông dân, tổng dư nợ hiện nay trên 1.470 tỷ đồng, với gần 35 nghìn lượt hội viên nông dân được vay vốn. Hầu hết đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân được giao nhiệm vụ quản lý nguồn vốn ủy thác và các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay đều là kiêm nhiệm, do đó, năng lực chuyên môn trong nghiệp vụ ủy thác của ngân hàng còn nhiều hạn chế, cần được tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, xử lý nợ và thẩm định hồ sơ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Sơn La tổ chức các đợt tập huấn kỹ năng quản lý quỹ, nhất là kỹ năng xử lý nợ quá hạn và xử lý rủi ro. Chú trọng khâu rà soát, bình xét hộ nghèo trước khi lập hồ sơ cho vay nhằm tiếp nhận nguồn vốn ủy thác hiệu quả, giúp đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng. Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu vay vốn của các hội viên nông dân, ưu tiên cho các gia đình hội viên nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất thông qua báo cáo đề xuất của chi hội nông dân và các tổ tiết kiệm vay vốn.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp, tổ chức 5 đợt tập huấn nghiệp vụ ủy thác ngân hàng cho gần 700 lượt học viên. Các học viên tham gia tập huấn được tiếp thu quy trình cấp vốn vay gồm các bước: Đánh giá, bình xét hộ nghèo; xây dựng hồ sơ vay vốn; thẩm định và phê duyệt hồ sơ; quy trình, thủ tục giải ngân; thu nợ gốc, thu phí vay; chuyển nợ quá hạn; kiểm tra việc sử dụng vốn vay; xử lý rủi ro, nợ xấu và lưu hồ sơ... Các đợt tập huấn được tổ chức đã góp phần nâng cao năng lực cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, hỗ trợ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện đôn đốc thu tiền gốc và lãi của các hộ vay vốn. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của hội nông dân các cấp quản lý chỉ dưới 3%.
Chị Hoàng Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn bản Nà Bó 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Tổ tiết kiệm vay vốn đang quản lý 30 thành viên với tổng dư nợ trên 500 triệu đồng. Tôi tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ ủy thác để cập nhật những kiến thức mới, cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn hiệu quả, để nâng cao kỹ năng quản lý, góp phần đưa đồng vốn đến đúng với hộ nghèo cần được hỗ trợ và giúp các hộ vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả, không có tình trạng nợ quá hạn.
Được vay vốn của Ngân hàng CSXH, anh Triệu Tiến Thịnh, bản Suối Cốc, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, thông tin: Năm 2018, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên số tiền là 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Được sự tư vấn của tổ tiết kiệm vay vốn của bản, gia đình đã mua 3 con bò về nuôi vỗ béo, với mức 15 triệu đồng/con; 5 triệu đồng còn lại sử dụng để mua thức ăn và vật liệu xây dựng chuồng trại. Năm 2021, tôi đã trả hết nợ cũ cho ngân hàng nhưng với mong muốn được mở rộng quy mô chăn nuôi, tôi đã làm đơn xin vay thêm 50 triệu đồng, kết hợp với nguồn tiết kiệm của gia đình để mở rộng quy mô chăn nuôi lên 10 con bò vỗ béo, nuôi sinh sản.
Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân được giao nhiệm vụ quản lý quỹ và vốn ủy thác, với mục tiêu đồng vốn ưu đãi được bảo toàn, đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả cao nhất, giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/su-dung-hieu-qua-nguon-von-uu-dai-54742