Sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Thị xã Hồng Lĩnh nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, có 6 đơn vị hành chính, bao gồm: Phường Bắc Hồng, phường Nam Hồng, phường Đậu Liêu, phường Đức Thuận, phường Trung Lương và xã Thuận Lộc, với tổng diện tích 5.897,3 ha, dân số trung bình năm 2023 là 40.412 người; mật độ dân số trung bình là 685 người/km2.

Gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40) và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 (gọi tắt là Kết luận số 06), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hồng Lĩnh đã triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn một cách tích cực, hiệu quả.

“Đòn bẩy” về vốn

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hồng Lĩnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Phòng đã triển khai các chủ trương về chương trình xóa đói giảm nghèo trong toàn thị xã đến tận các phường, xã và hàng năm đã tổ chức nhiều cuộc phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, cán bộ Ban giảm nghèo các phường, xã... nhanh chóng đưa vốn chính sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến thời điểm 30/9/2024, nguồn vốn ngân sách thị xã chuyển sang NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 5,757 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng nguồn vốn, tăng 5.457 triệu đồng (+18,2 lần) so với trước khi thực hiện Chỉ thị; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình kịp thời, đúng quy định tạo điều kiện cho các hộ thuộc đối tượng, đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tại NHCSXH để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh từng bước cải thiện đời sống, xóa nghèo bền vững.

Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 215.635 triệu đồng, tăng 126.398 triệu đồng (+142%) so với trước khi có Chỉ thị; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 211.017 triệu đồng, tăng 125.213 triệu đồng (+146%) so với 31/12/2014, với 14 chương trình tín dụng đã và đang triển khai thực hiện; giải ngân đạt 461.221 triệu đồng cho 9.427 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố, nâng cao, đến 30/9/2024, tổng số nợ xấu là 124 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,058% tổng dư nợ, giảm 89 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của thị xã trong 10 năm qua đã góp phần giúp 457 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; đã thu hút và tạo việc làm mới cho 3.733 lao động, trong đó có 7 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 457 hộ gia đình vay mới trang trải chi phí để học tập; 1.394 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt cũng như điều kiện sống của cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn; 2 căn nhà ở cho hộ nghèo chưa có nhà hoặc nhà ở tạm bợ được xây dựng mới; 105 căn nhà xây dựng mới để ở và 4 căn nhà mua mới được vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 100/2024/NĐ-CP; 3 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và 237 học sinh sinh viên hỗ trợ mua máy tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến được tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 1.825 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư mua máy móc thiết bị và mua con giống, 2.404 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vận tải, dịch vụ, chăn nuôi…

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà còn góp phần khôi phục, giữ gìn và phát triển các ngành nghề truyền thống, điển hình như làng rèn đúc ở phường Trung Lương, xây dựng nông thôn mới tại xã Thuận Lộc, xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm từ 3,83% năm 2014 giảm xuống còn 2% năm 2024.

NHCSXH thị xã Hồng Lĩnh đi tặng quà cho các hộ nghèo, khó khăn có vay vốn trên địa bàn phường Đậu Liêu, ngày 4/10/2024

NHCSXH thị xã Hồng Lĩnh đi tặng quà cho các hộ nghèo, khó khăn có vay vốn trên địa bàn phường Đậu Liêu, ngày 4/10/2024

Những mô hình sử dụng vốn tín dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, học tập

NHCSXH thị xã cùng các đoàn thể chính trị - xã hội đã đồng hành, trách nhiệm đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã, giúp hàng trăm hộ khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống... Thời gian qua, các Tổ TK&VV trên địa bàn thị xã đã phát huy vai trò “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng khác ở cơ sở. Qua đó, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững, trong đó phường Đậu Liêu là một trong những địa phương có nhiều mô hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Đó là hộ gia đình bà Đỗ Thị Chiên, thường trú tại tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu. Vợ chồng bà Chiên đều là lao động tự do, thu nhập không ổn định, lại nuôi 3 người con đang độ tuổi ăn học nên hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Tháng 3/2021, được sự quan tâm, xem xét của Tổ TK&VV, gia đình bà Chiên được vay vốn ở chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 48 triệu đồng để tu sửa lại ki-ốt bán đồ điện tử. Cùng năm đó, gia đình bà mạnh dạn tiếp tục vay vốn NHCSXH 80 triệu đồng ở chương trình phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh… bằng nguồn ngân sách địa phương để chăn nuôi bò sinh sản.

Sau 3 năm đầu tư vào chăn nuôi, buôn bán, gia đình bà Chiên đã thu được những kết quả khả quan. Hiện đã đưa vào hoạt động buôn bán thường xuyên 03 ki-ốt bán đồ điện dân dụng, thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho các thành viên lao động trong gia đình, kinh tế vươn lên khá giả, con cái được đầu tư học hành đầy đủ. Mỗi lần gặp Tổ TK&VV phường để nộp lãi khoản vay, bà Chiên thường bày tỏ lòng biết ơn tới Đảng, Nhà nước, tới NHCSXH thị xã, phường đã tạo điều kiện để gia đình bà được vay vốn để đầu tư sản xuất, để gia đình bà có được cuộc sống no đủ, sung túc bền vững như ngày hôm nay.

Cũng tại tổ dân phố 7 phường Đậu Liêu, gia đình bà Nguyễn Thị Lan đã được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách xã hội, bà Lan đã được Tổ TK&VV bình xét cho vay 97,5 triệu đồng để trang trải việc chi phí học tập cho con trai Thái Quốc Sỹ học tại trường Đại học Đông Á. Tháng 6/2024, em Sỹ đã ra trường và hiện nay em đang công tác tại cơ quan Công an thị xã Hồng Lĩnh. Có thể nói, chính sách này đã giúp cho gia đình bà Lan cũng như nhiều gia đình khác có hoàn cảnh tương tự giải quyết được những khó khăn, giúp các em được học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, tương lai tốt hơn và gia đình từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Hay như hộ bà Bùi Thị Thao, trú tại tổ dân phố 3, phường Đậu Liêu, cũng là một trong những mô hình vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội. Ông Biếm - chồng bà Thao, tuổi đã lớn lại hay đau ốm, bệnh tật nên cuộc sống hết sức khó khăn. Từ năm 2022, gia đình được tiếp cận vốn vay để giải quyết việc làm với khoản vay 50 triệu đồng. Bà Thao đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư chăn nuôi bò. Bà sử dụng nguồn vốn vay để mua 7 con bò. Sau hơn 2 năm, đàn bò đã có 15 con, mô hình chăn nuôi bò của bà Thao đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Có thể khẳng định, việc nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của phường Đậu Liêu nói riêng, thị xã Hồng Lĩnh nói chung giảm theo từng năm, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Cùng với các chính sách khác của Đảng và Nhà nước, chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH thị xã Hồng Lĩnh đã và đang góp phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Phạm Thị Cẩn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/su-dung-hieu-qua-von-tin-dung-uu-dai-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dia-phuong-159034.html