Sử dụng lao động trẻ em
Thế hệ 7X, 8X chúng tôi khi chưa đến 10 tuổi nhưng đã phải làm rất nhiều việc trong gia đình, không chỉ những việc như rửa bát, quét nhà, giặt quần áo mà còn đi lấy củi bán lấy tiền, cấy lúa, bắt cá tôm... Có những đứa trẻ còn được coi như là lao động chính, ngoài một buổi tới trường thì buổi còn lại đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ngày đó, chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình và cũng là niềm vui mỗi khi mình làm được nhiều việc.
Kể chuyện ngày xưa với con cái, bọn chúng bảo thế là vi phạm quyền trẻ em, bắt trẻ em kiếm tiền nuôi gia đình là vi phạm pháp luật. Nhưng ngày đó, đời sống còn nhiều khó khăn nên cả gia đình đều tham gia lao động. Bây giờ, cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều, vì thế trẻ em có điều kiện được học tập, vui chơi.
Trẻ em làm việc nhà, được truyền dạy một số nghề trong gia đình không phải là hình thức bóc lột sức lao động. Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động chưa thành niên (dưới 18 tuổi) làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trẻ em từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi có thể làm diễn viên ở nhiều loại hình nghệ thuật, vận động viên năng khiếu của nhiều môn thể thao, làm một số nghề thủ công truyền thống như vẽ tranh sơn mài, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ… Trẻ em dưới 13 tuổi cũng có thể làm một số công việc nhẹ nhàng tại các làng nghề.
Số liệu khảo sát quốc gia về lao động trẻ em vào năm 2012, nước ta còn 1,75 triệu trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi phải tham gia lao động hoặc có nguy cơ lao động sớm. Năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát thực tế về lao động trẻ em và số liệu chính thức sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Trẻ em có quyền được học tập, vui chơi và tham gia làm một số công việc vừa sức cũng là cách để các em phát triển toàn diện. Tuy nhiên, các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa việc lạm dụng lao động là trẻ em trong các cơ sở sản xuất, các cửa hàng kinh doanh... Các gia đình quan tâm, động viên và khuyến khích trẻ em làm một số công việc phù hợp với độ tuổi, sở thích.