Sử dụng MC AI dẫn chương trình truyền hình, đột phá mới ở Trung Quốc
Ngoại hình đẹp, dẫn chương trình không mắc lỗi và làm việc suốt ngày đêm là mẫu người dẫn chương trình truyền hình lý tưởng nay đã trở thành hiện thực nhờ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Được thúc đẩy bởi công nghệ AI, ngành báo chí truyền thông Trung Quốc đang tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ mới với việc các cơ quan truyền thông chính thống lần lượt tung ra các người dẫn chương trình ảo (MC ảo). Trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay, kênh truyền hình Tin tức Hàng Châu đã đưa ra hai MC ảo - Tiểu Vũ và Tiểu Kỳ - được mô phỏng theo hai MC ăn khách là Vũ Thần (nữ) và Kỳ Vũ (nam). Có hai MC thế thân siêu giống này, hai MC Vũ Thần và Kỳ Vũ đã được về nhà nghỉ Tết đón năm mới cùng gia đình.
Tiểu Vũ và Tiểu Kỳ được xưởng thử nghiệm sản xuất video ngắn AI của Tập đoàn truyền thông Hàng Châu phát triển và được tạo ra thông qua công nghệ NeRF (Trường bức xạ thần kinh) kết hợp với công nghệ đào tạo trước đa phương thức quy mô lớn. Với biểu cảm điềm tĩnh tự tại, ổn định, giọng nói và khẩu hình gần như hoàn hảo, cư dân mạng đã nói đùa: "Vũ Thần và Kỳ Vũ có thể bị thất nghiệp khi quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết".
Có Tiểu Vũ thay thế, Vũ Thần được về quê Thẩm Dương ăn tết (Ảnh: Singtao).
Năm 2021, Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" về phát triển khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các MC ảo và ngôn ngữ ký hiệu tay trong sản xuất các chương trình đa dạng như chương trình tin tức thời sự. Sau đó, các công ty công nghệ phát triển người ảo liên tục xuất hiện.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã ra mắt "Vương Quán AI" dựa trên nguyên mẫu là nhà bình luận tài chính Vương Quán, “Vương Quán AI” đã được cho xuất hiện trong chương trình "Quán sát lưỡng hội" cùng với Vương Quán người thật để phân tích, giải thích các chính sách mới; Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh đã tạo ra "Tiểu Nê Thời sự" AI dựa trên MC Từ Xuân Nê, Ngoài việc dẫn tin tức thời sự, MC ảo này còn có thể tương tác với khán giả và trả lời các câu hỏi, giải thích kiến thức và tập trung vào phục vụ người dùng; đóng vai trò là đại sứ quảng bá cho chương trình "Trả lời khiếu nại" của thành phố Bắc Kinh. Bình luận viên AI "Hải Lam" của Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn Đông cũng đã vượt qua người thật để trở thành đại sứ về các vấn đề của chính phủ, thể hiện ngôn ngữ ký hiệu tay phục vụ khán giả câm điếc, là một MC ảo đa năng phục vụ mọi yêu cầu...
Kỳ Vũ chơi tết ở quê Hồ Bắc khi vai trò dẫn chương trình của anh do MC AI Tiểu Kỳ đảm nhiệm (Ảnh: Singtao).
Truyền thông Trung Quốc đại lục phân tích cho rằng, so với MC dẫn chương trình là người thật, MC ảo có thể truyền đạt tin tức một cách chính xác không mảy may sai sót và làm việc suốt ngày đêm không nghỉ; đồng thời, họ có thể nâng cao hiệu quả sản xuất video tin tức và không còn phải chịu chi phí nhân lực đắt đỏ nữa, tiết kiệm được chi phí về người dẫn chương trình, phóng viên, người quay phim và nhân viên sản xuất, giảm thiểu hao tổn do sử dụng trường quay.
Sự ra đời của MC ảo nhờ công nghệ AI rõ ràng là một cuộc cách mạng thay đổi quy tắc cuộc chơi và ngành truyền thông có thể phải đối mặt với các vấn đề thay đổi nghề nghiệp. MC ảo đang buộc những người làm truyền thông phải đối mặt với thách thức về các khả năng cơ bản. Người làm truyền thông sẽ tập trung nhiều hơn vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, có cái nhìn sâu sắc và khả năng diễn giải.
(Theo Đông Phương, Singtao)