Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm dấu chân carbon

Năng lượng và môi trường luôn liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta gần như không thể sản xuất, vận chuyển hoặc tiêu thụ năng lượng mà không gây tác động đến môi trường. Do đó, quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, mang lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu về phát triển bền vững môi trường, giảm thải carbon. Có lẽ chính vì vậy, tiết kiệm năng lượng đã trở thành nhu cầu tự thân của không ít doanh nghiệp. Tiết kiệm năng lượng không chỉ để giảm chi phí, mà còn đẩy nhanh lộ trình giảm thiểu dấu chân carbon hướng đến mục tiêu Net Zero.

Đây là một trong 02 nhà máy đầu tiên đạt chứng nhận trung hòa carbon của Vinamilk. Để có được chứng nhận này, suốt 10 năm qua, doanh nghiệp đã phải triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải CO2, trong đó có việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt ở hầu hết các xưởng sản xuất, đáp ứng 20% nhu cầu về điện. Nhờ đó mỗi năm họ có thể giảm thiểu 61,5 tấn CO2.

1 lò đốt biomas phục vụ công đoạn gia nhiệt, trao đổi nhiệt của quá trình sản xuất sữa cũng đã được vận hành. Dù phức tạp, cồng kềnh hơn việc sử dụng lò đốt dầu, tuy nhiên việc nói không với dầu FO, đã khiến doanh nghiệp cắt giảm được 11,3 tấn CO2/năm.

Mỗi khâu sản xuất đều được tính toán kỹ lưỡng, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, lắp đặt hệ thống robot tự động. Chính vậy họ đã tiết kiệm được một lượng điện đáng kể.

Còn doanh nghiệp này, sau nhiều lần tính toán đã xác định: 93% lượng phát thải của họ phát sinh từ việc sử dụng một lượng lớn điện phục vụ cho quá trình sản xuất. Do đó, để giảm thiểu sử dụng điện than họ cũng đã đầu tư ngay hệ thống điện áp mái.

Với công suất khoảng 2.000Kwh/năm, hai hệ thống điện áp mái này đã đáp ứng được 15% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Crytal Martin, cắt giảm được 1.450 tấn CO2/năm. Không chỉ vậy, họ còn nghiên cứu đổi mới công nghệ cho hệ thống cung cấp nhiệt lạnh của công ty - khâu chiếm tới 50% tổng lượng điện tiêu thụ của nhà máy.

Tiết kiệm năng lượng đôi khi chỉ cần một cải tiến nhỏ trong kỹ thuật, song có khi lại cần sự đầu tư lớn và dài hạn về công nghệ, máy móc. Dù đã có không ít chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, nhưng để hiệu quả hơn, không ít ý kiến cho rằng hoạt động này của Việt Nam vẫn cần phải có thêm cơ chế ràng buộc.

Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ năm, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng và giảm thiểu được nhiều nghìn tấn CO2.

Trong bối cảnh bắt buộc phải chuyển đổi xanh để thích ứng với yêu cầu của thị trường, thì việc làm thế nào để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn là bài toán đầu tiên bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải bắt tay vào tìm lời giải.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-de-giam-dau-chan-carbon-230556.htm