Sử dụng nhiều chiêu trò để phân phối 573 nhãn hiệu sữa giả ra thị trường
Để phân phối 573 nhãn hiệu sữa bột giả ra thị trường, các đối tượng đã thành lập ra 11 doanh nghiệp và sử dụng nhiều chiêu trò để qua mắt các cơ quan chức năng, đánh lừa người tiêu dùng.

Kho chứa sữa bột giả của nhóm đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ
Thành lập 11 doanh nghiệp để phân phối sữa giả
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố 8 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là 573 nhãn hiệu sữa bột giả cho người già, trẻ em, thai phụ. Trong đó, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là 2 đối tượng bị cáo cầm đầu, chủ mưu.
Cũng theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021, Cường, Hà nắm bắt được nhu cầu sử dụng sữa bột trong nước. Từ đó, 2 đối tượng này thành lập Công ty Rance Pharma (ở phường Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (ở Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Một sản phẩm sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ
Tại 2 công ty này, Hà và Cường trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông và cũng là cổ đông góp vốn chính. Bên cạnh đó, Hà là người ký các văn bản với tư cách "người đại diện theo pháp luật".
Tiếp đến, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác để thành lập thêm 9 công ty, với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma. Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.
Chiêu trò bán hàng “qua mắt” cơ quan chức năng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN, để qua mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng kinh doanh phân phối sữa giả này không phân phối hàng vào các cửa hàng, đại lý truyền thống, chỉ bán qua hệ thống online và các sàn thương mại điện tử trực tuyến, để tránh bị kiểm tra và phát hiện đây là sữa giả.
Bà Hoàng Thu Phương, chủ cửa hàng đại lý bỉm sữa ở xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội), cho biết: “Các sản phẩm thực phẩm bổ sung “gắn mác sữa” thường không được các cửa hàng đại lý tiếp nhận và tiêu thụ. Bởi nó chỉ là thực phẩm bổ sung, không phải là sữa, nếu cửa hàng đại lý nào bày bán các sản phẩm này, khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì rất có thể sẽ bị truy nguồn gốc và xử phạt, nên không chỉ cửa hàng chúng tôi mà hầu như các đơn vị khác cũng từ chối tiếp nhận bán các sản phẩm này”.



Các sản phẩm sữa bột giả chủ yếu được bán qua kênh online để tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng
"Các loại thực phẩm bổ sung này chủ yếu được bán qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, khi bán sản phẩm họ cũng không bao giờ nhận thanh toán trực tiếp từ khách hàng, chủ yếu là thanh toán ủy nhiệm qua những người ship hàng, để tránh bị lộ thông tin người bán hàng", bà Phương cho hay.
"Đường dây sản xuất và tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa giả, thu lợi gần 500 tỷ đồng không chỉ lớn về mặt doanh thu, mà quy mô phạm vi phân phối hàng hóa còn rộng khắp cả nước, bởi các sản phẩm này được bán trên các sàn thương mại điện tử trực tuyến và các nền tảng mạng xã hội, nên không giới hạn về mặt địa lý, do vậy có thể nói là các nạn nhân mua phải sữa giả của các đối tượng này là rất lớn", ông Nguyễn Văn Sự, chuyên gia về marketing cho hay.


"Trang bị danh hiệu" để làm "phông bạt" cho sản phẩm để thu hút niềm tin của người tiêu dùng
Để bán được hàng, trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng không chỉ gọi các sản phẩm thực phẩm bổ sung này là sữa, mà còn thổi phồng công dụng sản phẩm như “thần dược”, nghĩa là có thể chữa bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh xương khớp, mất ngủ, tăng cường thể chất cho phụ nữ có thai, trẻ em còi xương..., nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Tiến sĩ Lê Ngọc An, công tác tại Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Các loại thực phẩm bổ sung này không phải là sữa nhưng bằng các chiêu trò quảng cáo sai sự thật gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người bệnh và trẻ em, khi sử dụng các sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bởi nó không đủ thành phần như sữa theo chuẩn quy định của Viện dinh dưỡng quốc gia. Chẳng hạn như nó có hàm lượng giá trị dinh dưỡng không đủ theo quy chuẩn của sữa nhưng lại nhiều đường. Trong khi hiện nay nhiều cơ quan nghiên cứu dinh dưỡng đang khuyến cáo hạn chế sử dụng đường trong chất dinh dưỡng".
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.