Sản xuất sữa giả Rance Pharma có thể đối diện án tù chung thân

Sau khi 8 đối tượng trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả bị khởi tố, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ và đề nghị cần xử lý thích đáng những kẻ bất chấp sức khỏe, tính mạng người khác để trục lợi.

Cơ quan công an đang tiến hành điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa bột xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group… Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, lực lượng chức năng đã thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.

Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 8 đối tượng, trong đó có 3 bị can bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; 5 người khác bị khởi tố về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn hộp sữa giả để phục vụ điều tra

Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn hộp sữa giả để phục vụ điều tra

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân.

Điều 193 BLHS 2015 quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng…thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính 1.5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1-18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…

Như vậy, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí đình chỉ vĩnh viễn…

Còn về ‘Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng’, Điều 221 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 điều này, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm…Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

‘Hành vi sản xuất sữa giả không chỉ là gian lận thương mại mà còn gây nguy hại cho sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai – những đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng’ - luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/san-xuat-sua-gia-rance-pharma-co-the-doi-dien-an-tu-chung-than-post608807.antd