Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là vấn đề cấp thiết

Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết.

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” do Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 19/12.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt

Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Theo kế hoạch hành động của Cục Bảo vệ thực vật, đến năm 2030, sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp). Đồng thời, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”

Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”

Mỗi tỉnh trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh. Qua đó, sẽ giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc bảo vệ thực vật 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt.

Bên cạnh đó, hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại, do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm của thế giới đang có hướng kinh doanh các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm an toàn, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng bộc lộ một số nhược điểm như: Giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngắn hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Vì vậy, cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng.

“Trong các biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật, xu hướng sử dụng drone đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á và trên thế giới, nhờ vào những lợi ích phun thuốc nhanh hơn tới 30 lần so với phương pháp phun thủ công, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc, tiết kiệm tới 97% lượng nước so với cách phun truyền thống và giảm khoảng 50% chi phí đầu vào”, ông Nguyễn Văn Sơn khuyến nghị.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, trong giai đoạn 2017-2018, gạo xuất khẩu sang EU, Mỹ còn chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn, đa số do thiếu kiến thức trong canh tác. Do đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã giao Cục trồng trọt tập huấn quy trình sản xuất đảm bảo yêu cầu của thị trường EU và Mỹ. Sau khi tập huấn, các doanh nghiệp đã có thể tìm hiểu quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối chiếu cần thấp hơn mức quy định sẽ được cho phép xuất khẩu.

“Muốn xuất sang nước khác, phải tìm hiểu kỹ càng yêu cầu quy định từng nước cụ thể, do đó, các doanh nghiệp cần mang mẫu tới trung tâm kiểm định, đối chiếu đạt yêu cầu” - ông Lê Văn Thiệt nói.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả cây trồng

Theo bà Đào Thu Vinh - Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam, trồng cải tiến trong thực hành IPHM sẽ giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM (quản lý dịch hại tổng hợp).

Những cây trồng mang tính trạng cải tiến có thể được tạo ra theo nhiều phương thức lai tạo khác nhau như: lai truyền thống, ứng dụng kỹ thuật khác nhau của công nghệ sinh học hiện đại như biến đổi gen (GMO) và chỉnh sửa gen (GE), công nghệ lai tạo giống mới (PBI).

Cây trồng cải tiến còn hạn chế sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật, bao gồm cả biện pháp cơ học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí, giảm công lao động từ việc sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật. Cây trồng có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ sẽ giúp nông dân giảm và không cần làm đất, giúp đất trồng lưu trữ dinh dưỡng tốt hơn, giảm xói mòn.

Đại diện Croplife Việt Nam cũng chỉ ra một số lợi ích kinh tế - xã hội khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý. Trong giai đoạn 1996 - 2020, chỉ số tác động lên môi trường giảm trong 24 năm qua, giảm 748,6kg thuốc bảo vệ thực vật nhờ việc mở rộng canh tác giống cây biến đổi gen. Cũng trong giai đoạn trên, tiết kiệm 14,662 triệu lít nhiên liệu, 2,330 triệu kg CO2 tương đương với việc giảm 1,58 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường trong 1 năm.

“Các cây trồng chỉnh sửa gen chống chịu các yếu tố căng thẳng phi sinh học chính như ngô chịu hạn, lúa gạo chịu mặn, chống chịu thuốc trừ cỏ. Việt Nam đang triển khai nhanh trong nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Các chính sách khoa học, cởi mở, đón đầu công nghệ và hài hòa sẽ là động lực giúp tạo ra ngày càng nhiều giống cây trồng cải tiến và giới thiệu cho nông dân, giúp họ có thêm công cụ để triển khai hiệu quả chương trình IPHM/IPM và canh tác nông nghiệp bền vững” - bà Đào Thu Vinh nói.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/su-dung-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-an-toan-hieu-qua-la-van-de-cap-thiet-365093.html