Sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu: Minh bạch, đúng mục đích
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trong nhiều năm trở lại đây, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để can thiệp thị trường mỗi khi có biến động về giá, đặc biệt trong bối cảnh của lạm phát tăng cao, là một cách làm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm sao để sử dụng quỹ này hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Không nên để ở tài khoản doanh nghiệp
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo, Bộ Công Thương bãi bỏ một số điều Thông tư liên tịch số 39/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn thi hành một số quy định tại Nghị định số 80/2023...
Theo đó, các mặt hàng xăng dầu Nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut để thực hiện công bố giá cơ sở.
Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Công tác điều hành giá, trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính bằng văn bản.
Đặc biệt, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng.
Công tác điều hành giá xăng dầu thực hiện theo Quy chế hoạt động tổ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Liên quan tới quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên để ở tài khoản doanh nghiệp mà nên giao về một đơn vị chuyên quản lý và chịu trách nhiệm, tránh tình trạng thất thoát quỹ không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là vấn đề phức tạp. “Cá nhân tôi đồng thuận quan điểm nên để Bộ Tài chính quản lý quỹ thay vì cho doanh nghiệp đầu mối, bởi đây là tiền của người dân”.
Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính có thể lập hội đồng có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối, cơ quan có liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Làm sao sử dụng một cách hiệu quả nhất, đúng như tên gọi bình ổn thị trường.
“Tuyệt đối chúng ta phải có giải pháp quản lý, tránh để hai bộ “đá bóng trách nhiệm”, lời qua tiếng lại. Nếu giao về Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về việc sử dụng, quản lý số tiền này”, TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Giải quyết vướng mắc, bất cập tồn đọng
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là loại quỹ được Luật Giá cho phép thành lập trên cơ sở trích từ giá mua xăng, dầu của tổ chức, cá nhân sử dụng xăng, dầu phục vụ cho mục tiêu bình ổn giá.
Các nghị định của Chính phủ hướng dẫn đây là loại quỹ không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, nhưng nó là một loại quỹ tài chính quốc gia do Nhà nước quản lý, điều hành đặt tại doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, giao cho doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Việc sử dụng quỹ chỉ thực hiện khi có thông báo của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Theo ông Hà Minh Long, chuyên gia tài chính, ngoài liên Bộ Công Thương - Tài chính không ai có thẩm quyền quyết định trích lập, sử dụng quỹ này và ngay cả hai Bộ này cũng như doanh nghiệp xăng, dầu cũng không được phép sử dụng quỹ này vào mục đích khác ngoài mục đích bình ổn giá xăng, dầu theo quy định.
Đây là quy định của pháp luật mà ai cũng biết và ngân hàng thương mại càng biết khi chấp thuận các điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (tài khoản thanh toán không kỳ hạn, mục đích: Quỹ bình ổn giá) tại ngân hàng của mình.
Chia sẻ với báo chí, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, Quỹ Bình ổn giá là tiền người dân góp vào, do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp chỉ giữ hộ Nhà nước chứ không phải tiền của doanh nghiệp.
Hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ. Giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không bao giờ phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động bất thường, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Tuy vậy, theo quan điểm của ông Long, vẫn cần tiếp tục theo dõi, nếu cần thiết sửa đổi quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Trong thực tế, việc quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan quỹ là không quá khó. Việc xây dựng cơ chế quản lý kiểm soát dòng tiền của quỹ qua ứng dụng công nghệ hoàn toàn thực hiện được. Đặc biệt, cần sớm quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc trích lập, sử dụng đi đôi với kiểm soát thực tế tồn dư quỹ thường xuyên.