Sử dụng tai nghe quá mức sẽ gây tổn thương cho tai của bạn
Tai nghe ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ, song sử dụng quá mức trong thời gian dài sẽ gây tổn thương cho tai.
Công nghệ đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn theo nhiều cách nhưng cũng dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng quá mức. Một khía cạnh của công nghệ ngày càng trở thành mối quan tâm là việc sử dụng tai nghe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 1,1 tỷ thanh niên có nguy cơ bị mất thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Trong khi có rất nhiều các yếu tố rủi ro như âm thanh lớn trong câu lạc bộ, buổi hòa nhạc, quán bar, nhưng rủi ro lớn nhất là âm thanh qua tai nghe.
Sử dụng tai nghe làm hỏng tai như thế nào?
Âm thanh đi qua màng nhĩ, qua các xương thính giác để đến tai trong. Sau đó, sự rung động âm thanh được truyền đến ốc tai chứa đầy chất dịch và bao gồm nhiều sợi lông nhỏ. Khi đó, chất dịch rung động làm cho các sợi lông chuyển động. Tiếng ồn càng lớn, rung động càng mạnh và các sợi lông chuyển động càng nhiều. Tiếp xúc lâu dài và liên tục với âm nhạc lớn khiến các tế bào lông cuối cùng cũng mất đi độ nhạy đối với rung động âm thanh. Đôi khi, âm nhạc lớn cũng làm cho các tế bào lông bị uốn cong hoặc gấp khúc, dẫn đến mất thính giác tạm thời. Khi âm thanh quá lớn và phát trong thời gian dài, các tế bào thính giác trong tai có thể bị tổn thương. Ngoài ra, tai nghe có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai và cũng gây nhiễm trùng.
Như đã đề cập ở trên, âm nhạc lớn được phát qua tai nghe có thể làm hỏng các tế bào trong tai. Mối lo ngại lớn nhất là những tế bào này không có khả năng tái tạo. Khi tổn thương đã xảy ra, không thể đảo ngược tổn thương này và có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.
Cách để giảm thiểu rủi ro do tai nghe gây ra
Giảm âm lượng xuống
Âm thanh được đo bằng đơn vị decibel (dB). Nếu âm thanh dưới 60 dB, thì không có khả năng gây ra bất kỳ tổn thương thính giác nào ngay cả sau khi tiếp xúc lâu. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu và lặp lại với âm thanh lớn trên 85 dB có thể dẫn đến mất thính giác. Mặc dù rất khó để đo công suất dB trong các thiết bị, nhưng ý tưởng tốt nhất là cài đặt âm lượng ở mức 50% cũng như giảm thời lượng nghe để tránh bất kỳ tổn thương nào cho tai.
Sử dụng Headphone thay thế Earphone
Earphone (tai nghe trong) thường là những thiết bị nhỏ, bằng nhựa cứng hoặc silicone, nhét trực tiếp vào trong tai. Mặt khác, headphone là thiết bị được đặt qua tai, chủ yếu che toàn bộ tai. Headphone tạo khoảng cách giữa âm thanh và màng nhĩ trong ống tai.
Nghỉ ngơi
Nghe nhạc quá lớn trong thời gian dài có thể gây ra những tổn thương không thể khắc phục được cho tai. Vì vậy, bạn nên nghỉ giải lao giữa chừng để mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho đôi tai. Thử nghỉ 5 phút sau mỗi 30 phút hoặc nghỉ 10 phút sau mỗi 60 phút.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tuyệt đối việc dùng chung tai nghe với người khác và vệ sinh chúng đúng cách hàng ngày để tránh bất kỳ loại nhiễm trùng nào trong tai./.