Sử dụng TikTok có an toàn không? Những lo ngại về nội dung có hại và quyền riêng tư dữ liệu
Trong khi các mạng xã hội như Facebook và Twitter đang trì trệ, thì TikTok đang phát triển nhanh chóng.
Với sự tăng trưởng "nóng" như vậy, có rất nhiều sự chú ý dành cho TikTok và công ty này đang phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng trong một số lĩnh vực, từ việc phân phối nội dung có hại theo thuật toán đến cách nó xử lý dữ liệu người dùng.
Hoa Kỳ đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ ở hơn 20 tiểu bang do các cáo buộc gián điệp xuất phát từ quyền sở hữu của Trung Quốc. Các trường đại học ở Oklahama, Alabama và Texas đã làm theo bằng cách hạn chế sinh viên truy cập ứng dụng qua mạng Wi-Fi trong khuôn viên trường.
Mặc dù TikTok suýt chút nữa đã tránh được lệnh cấm hoàn toàn dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng nó đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chứng minh thông tin xác thực về bảo mật của mình. Có những lo ngại cụ thể về việc chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng. TikTok cũng phải đối mặt với những thách thức làm sạch nội dung giống như các nền tàng mạng xã hội khác; nơi hàng triệu người dùng có thể đăng video ngay lập tức và người kiểm duyệt phải vật lộn để theo kịp.
Bạn nên bỏ TikTok hay hạn chế việc sử dụng của con bạn? Dưới đây, chúng tôi đã phác thảo các lập luận để bạn có thể đưa ra quyết định của riêng mình.
TikTok có hại không?
Vụ kiện chống lại TikTok được chia làm hai phần: Những nội dung có hại và những lo ngại về quyền riêng tư do nó thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.
Trung tâm kiểm soát các nội dung trên nền tảng kỹ thuật số đã phát hiện ra rằng TikTok không hề có các biện pháp ngăn chặn khi trẻ em tiếp cận đến những nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã tạo tài khoản TikTok ở Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Úc và giả làm những đứa trẻ 13 tuổi. Họ đã “thích” và tương tác với các video liên quan đến sức khỏe tâm thần và hình ảnh cơ thể, để đánh giá xem điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nội dung hiển thị trong nguồn cấp dữ liệu "Dành cho bạn" của ứng dụng.
Các tài khoản trên hiển thị các nội dung tự làm hại bản thân cứ sau 206 giây. TikTok cũng đã được chứng minh là một ổ chứa thông tin sai lệch. Vào tháng 9 năm 2022, Newsguard nhận thấy rằng khi tìm kiếm “cuộc bầu cử năm 2022”, “vắc xin mRNA” và “âm mưu của Uvalde tx”, 20% bài đăng trên TikTok chứa thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Newsguard là một dịch vụ đánh giá các trang web tin tức và thông tin dựa trên mức độ đáng tin cậy của chúng.
Mối quan tâm về quyền sở hữu của Trung Quốc là bức tranh lớn hơn. Các chính phủ - bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi đang có chiến dịch cấm TikTok - lo ngại về nó như một rủi ro an ninh quốc gia, bởi vì nó thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.
Nhà phân tích chính Jasmine Enberg của Insider Intelligence cho biết: “Rõ ràng có sự ủng hộ của lưỡng đảng để làm điều gì đó với TikTok khi liên tục có các báo cáo về nội dung có hại và thông tin sai lệch được TikTok cung cấp cho người dùng – đặc biệt là giới trẻ”.
Một bài báo của công ty an ninh mạng Internet 2.0 tuyên bố TikTok thu thập dữ liệu “quá mức”, thu thập thông tin về vị trí của người dùng, nội dung của tin nhắn trực tiếp, v.v. Tờ báo cho biết họ lưu trữ các dữ liệu này trên các máy chủ ở Trung Quốc.
TikTok đã thừa nhận vào tháng 11 rằng nhân viên Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu người dùng. Nhưng một phát ngôn viên của TikTok nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp bất kỳ dữ liệu nào cho chính phủ Trung Quốc".
“Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của việc lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu ở châu Âu; giữ cho luồng dữ liệu nằm ngoài khu vực ở mức tối thiểu”.
TikTok cũng đã bác bỏ những tuyên bố của cựu nhân viên Yintao “Roger” Yu trong một vụ kiện TikTok vì công ty này đã chấm dứt hợp đồng một cách trái phép. CNN Business đã báo cáo những tuyên bố của Yu về việc chính phủ Trung Quốc có một văn phòng trong công ty. Yu cáo buộc rằng văn phòng này được gọi là "Ủy ban" thực hiện nhiệm vụ giám sát cũng như hướng dẫn ByteDance về “cách nó nâng cao các giá trị cốt lõi”.
“Ủy ban duy trì quyền truy cập tối cao vào tất cả dữ liệu của công ty, thậm chí cả dữ liệu được lưu trữ ở Hoa Kỳ", nội dung được viết trong đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại của Yu cũng nói thêm rằng ByteDance đã “đáp ứng các yêu cầu của chính phủ” trong việc quảng bá và xóa nội dung, đồng thời cáo buộc rằng dữ liệu người dùng có thể truy cập được thông qua cửa hậu.
Tất cả điều này đều bị ByteDance kiên quyết phủ nhận:"Chúng tôi có kế hoạch phản đối mạnh mẽ những gì chúng tôi tin là những tuyên bố và cáo buộc vô căn cứ trong đơn khiếu nại này", một phát ngôn viên của TikTok nói với CNN.
Một báo cáo khác của Forbes tuyên bố ByteDance đã lên kế hoạch “theo dõi vị trí cá nhân của một số công dân Mỹ". TikTok phủ nhận những tuyên bố trong bài báo, nhưng sau đó đã sa thải 4 nhân viên vì truy cập dữ liệu cá nhân của các nhà báo nhằm truy tìm nguồn tin.
Điều này là đủ để Alicia Kearns - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại trong Hạ viện Anh ủng hộ việc người Anh xóa ứng dụng TikTok. “Những gì TikTok làm là cung cấp dữ liệu khiến bạn dễ bị tổn thương nhất: bạn kết bạn với ai; sở thích của bạn là gì; bạn có những sở thích nào mà bạn có thể không muốn tiết lộ công khai; bạn đang nói chuyện riêng với ai; những địa điểm bạn đến,” cô ấy nói với Sophy Ridge của Sky News vào tháng 2 năm 2023.
Phần thứ hai của vụ kiện đề cập đến việc TikTok lan truyền những nội dung có hại. Những câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Trung Quốc có can thiệp về cách các thuật toán hiển thị nội dung hay không. Liệu chính phủ Trung Quốc có gây áp lực lên ByteDance để tuyên truyền các nội dung có hại trên nền tảng TikTok ở các nước khác hay không?
Những sự chỉ trích có công bằng không? TikTok có an toàn không?
Nếu bạn đứng về phía các chính trị gia Hoa Kỳ muốn cấm TikTok và loại bỏ Huawei ra khỏi Hoa Kỳ vào năm 2019, thì có lẽ bạn cũng nên tránh một loạt thương hiệu khác. Chúng bao gồm Honor, Xiaomi, OnePlus, Oppo, Lenovo, Realme và ZTE. Đây đều là những công ty đến từ Trung Quốc.
Đối với nội dung có hại, không phải Facebook, YouTube và Twitter không có nhiều vụ bê bối về các tin tức giả mạo, thông tin sai lệch nguy hiểm và lừa đảo. Các thuật toán truyền thông xã hội coi trọng sự chú ý và sự tương tác người dùng, cho nên họ cung cấp các nội dung người dùng chú ý và tương tác.
TikTok dường như được chú ý đặc biệt vì nó thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc, vậy điều này liệu có thực sự công bằng? Vào tháng 10, ngay cả giám đốc của GCHQ, Jeremy Fleming, cũng nói rằng ông sẽ không lo lắng nếu con cái của mình sử dụng TikTok. Nhưng sự theo dõi của ông cũng quan trọng không kém. Jeremy nói rằng ông sẽ “nói với các con về cách chúng nghĩ về dữ liệu cá nhân trên thiết bị của chúng”.
Làm thế nào để trẻ em sử dụng TikTok một cách an toàn?
Đối với tất cả các vấn đề kể trên, một Dự luật An toàn Trực tuyến sắp được đưa ra. Nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ bắt buộc các công ty truyền thông xã hội phải tích cực tìm kiếm nội dung bất hợp pháp, thay vì dựa vào một hệ thống báo cáo để khai thác nội dung đó.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng vẫn còn những video không phù hợp với trẻ em len lỏi trên nền tảng TikTok. Việc cấm con bạn sử dụng TikTok không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nếu tất cả bạn bè của chúng sử dụng nền tảng này, thì bạn đang vô tình đẩy con bạn ra xa những mối quan hệ bạn bè ở ngoài kia.
Một mẹo nhỏ là hãy đảm bảo rằng con bạn đăng ký tài khoản TikTok với ngày sinh chính xác. TikTok sẽ cấm những người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản.
Tài khoản dành cho những người từ 13 đến 15 tuổi được đặt ở chế độ “riêng tư” theo mặc định, nghĩa là bất kỳ nội dung nào được đăng không thể được xem bởi bất kỳ ai khác. Và ngay cả khi các tài khoản này được đặt ở chế độ công khai, nội dung của chúng sẽ không được chia sẻ với nguồn cấp dữ liệu Dành cho bạn.
Tính năng nhắn tin trực tiếp bị tắt đối với những người dưới 16 tuổi và những người dưới 18 tuổi không thể phát trực tiếp hoặc nhận Quà tặng ảo, thứ tạo nên thu nhập cho người dùng trên TikTok.