Sử dụng tốt nguồn lực nhân đạo
Trở thành cánh tay đắc lực cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Phú Tân triển khai hiệu quả nhiều dự án hỗ trợ sinh kế, sử dụng tốt các nguồn lực nhân đạo để thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Giữa những ngày tháng Tư nắng gắt, chính quyền địa phương và Hội CTÐ huyện Phú Tân đến khảo sát căn nhà của ông Nguyễn Văn Nghiêm (sinh năm 1963, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Việt Thắng). Nhà ông Nghiêm hiện có 5 khẩu, một người con trai làm nghề chạy xe ôm là trụ cột trong gia đình, vợ ông ở nhà nội trợ, gia đình lại không đất sản xuất. Ông Nghiêm bị tai biến mạch máu não khiến ông liệt 1 tay và 1 chân, sau điều trị, đến nay đã đi lại được nhưng ông không còn minh mẫn, khi nhớ khi quên.
“Số tiền dành dụm cất nhà giờ lo trị bệnh cho tôi hết rồi, nay còn thiếu nợ. Nhà giờ muốn sập, tôi cũng lo lắm, vì tôi không còn khả năng lao động để kiếm tiền cùng với con trai. Một mình con tôi chạy xe ôm chỉ đủ mua gạo sống qua ngày, phần thì tôi còn uống thuốc thang, nên không đủ khả năng xây dựng lại ngôi nhà”, ông Nghiêm bộc bạch.
Sau khi lắng nghe tâm sự của ông Nghiêm cũng như qua khảo sát thực tế, cán bộ Hội CTÐ huyện đã chụp ảnh hiện trạng căn nhà và kết nối với các mạnh thường quân để hỗ trợ cho hoàn cảnh này.
Chị Phạm Kiều Diễm, Phó chủ tịch Hội CTÐ huyện, chia sẻ: “Chúng tôi xuống khảo sát thực tế, có chính quyền địa phương xác nhận, rồi gửi thông tin hoàn cảnh cho mạnh thường quân, mong là hữu duyên họ sẽ được giúp đỡ”.
Cũng trong ngày hôm đó, đoàn còn khảo sát tại 4 hộ gia đình và 2 cây cầu giao thông trên địa bàn xã Việt Thắng, Hội cũng có phương án hỗ trợ.
Ðược sự chỉ đạo của UBND huyện, nhiều năm qua, Hội CTÐ huyện Phú Tân là đơn vị hỗ trợ xã Việt Thắng trong công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, nổi bật nhất là thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế, xã hội hóa xây dựng các công trình giao thông nông thôn, xây mới nhà ở cho hộ khó khăn.
Trong năm 2023, Huyện hội đã vận động xây dựng được 2 cây cầu giao thông nông thôn, 2 căn nhà với hình thức đối ứng. Lan tỏa tinh thần nhân ái, phát huy tốt vai trò bằng những việc làm thiết thực, cán bộ hội đã trở thành cầu nối hữu hiệu để các mạnh thường quân gần xa đặt tấm lòng, trao yêu thương đến những mảnh đời khó khăn ở xã vùng sâu.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội CTÐ xã Việt Thắng, thông tin: “Năm 2020, xã có 33 hộ nghèo, nay chỉ còn 8 hộ nghèo. Ðịa phương phấn đấu trong năm nay sẽ xóa trắng hộ nghèo. Với quyết tâm xóa nhà tạm bợ, thực hiện vai trò là cầu nối, Huyện hội cùng các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động các mạnh thường quân tại TP Hồ Chí Minh và các tổ chức tôn giáo chăm lo nhà ở cho người nghèo của xã. Ðiển hình như vừa qua đã vận động chùa Vạn Phước khởi công xây dựng 4 căn nhà và tiếp tục khảo sát vận động thêm cho các hộ khác”.
Xác định có việc làm chính là chiếc “chìa khóa” để thoát nghèo, hỗ trợ sinh kế chính là giải pháp thiết thực để người dân ổn định cuộc sống, Hội CTÐ và chính quyền địa phương chú trọng phối hợp thực hiện giải pháp này trong công tác giảm nghèo.
Hộ anh Trần Văn Nhứt, ấp Tân Thành, xã Việt Thắng, là hộ nghèo. Không đất sản xuất, vợ chồng anh Nhứt cũng không nghề nghiệp ổn định, lại đang nuôi con nhỏ ăn học.
“Trước đây anh Nhứt có đi đặt lú ven sông, nhưng từ khi chấp hành theo chủ trương cấm các hình thức khai thác hủy diệt, anh không làm nghề này nữa mà chuyển đổi sang làm nghề chạy xe ôm, phụ nấu đám tiệc. Nhận thấy hoàn cảnh anh khó khăn, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc huyện vận động Dự án nhà “Làng ta” hỗ trợ gia đình căn nhà. Ðến nay, anh lại được Hội CTÐ huyện hỗ trợ phương tiện là chiếc xe máy trị giá 15 triệu đồng, giúp anh có việc làm để ổn định cuộc sống”, ông Dương Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết.
Ðến nay, trên địa bàn xã, những hộ được nhận kinh phí hỗ trợ sinh kế giảm nghèo đều đã sử dụng có hiệu quả. Ðồng thời, chính quyền địa phương đặt ra lộ trình giảm nghèo cụ thể với giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với từng hộ nghèo.
Ông Trịnh Tôn Nám, Chủ tịch Hội CTÐ huyện Phú Tân, chia sẻ: “Hỗ trợ sinh kế phải phù hợp với điều kiện thực tế. Chính vì thế, khâu khảo sát hoàn cảnh, điều kiện, nhu cầu của từng hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp giúp đỡ và phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ là điều quan trọng. Bên cạnh hỗ trợ phương tiện làm ăn, con giống, các ban, ngành cũng cần có sự phối hợp cùng nhau để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế, làm ăn bền vững. Hơn hết là phải tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực thoát nghèo của người dân”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/su-dung-tot-nguon-luc-nhan-dao-a32406.html