Sử dụng túi nilon, thói quen khó bỏ

Dù biết những tác hại của túi nilon tới môi trường sống và sức khỏe con người, nhưng hiện nay, tình trạng sử dụng túi nilon vẫn còn rất phổ biến ở khắp nơi từ chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ đến các siêu thị, quán ăn, nhà hàng. Cả người tiêu dùng và người bán hàng đều có nhiều lý do để “biện hộ” cho thói quen nguy hại này.

Việc sử dụng túi nilon trong mua sắm hằng ngày vẫn đang là thói quen khó bỏ của nhiều người dân

Việc sử dụng túi nilon trong mua sắm hằng ngày vẫn đang là thói quen khó bỏ của nhiều người dân

Nhà nhà, người người sử dụng vì tính tiện ích

Mỗi ngày, khi chuẩn bị hàng để đi chợ bán, bà Nguyễn Thị Hà, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên không bao giờ được quên túi nilon. Kinh doanh rau củ quả, gia vị tổng hợp hàng chục năm ở chợ Vĩnh Yên, sạp hàng của bà quen khách nên lúc nào cũng nhộn nhịp người mua.

Dù khách chỉ mua vài quả chanh, vài quả ớt, một ít hành hay vài củ tỏi thì bà Hà đều đựng vào túi nilon. Bởi vậy, sạp hàng của bà Hà tiêu tốn đến cả cân túi nilon trong ngày là chuyện bình thường.

Khi được hỏi về tác hại của túi nilon và thói quen sử dụng, bà Hà chia sẻ: Cũng biết túi nilon không tốt cho môi trường nhưng người bán hàng như bà không thể không sử dụng và cũng rất khó để hạn chế vì phụ thuộc phần lớn vào khách hàng. Điển hình như nhiều khách hàng mặc dù đồ đã đựng đủ nhưng vẫn xin thêm túi nilon là bình thường, nếu không phục vụ thì sẽ mất khách.

Việc sử dụng túi nilon diễn ra ở tất cả các khu chợ trên địa bàn tỉnh. Dù túi nilon mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, tác hại của túi nilon đối với môi trường sống và sức khỏe của con người cũng rất nan giải.

Phải cần vài trăm năm đến 1.000 năm tùi nilon mới có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên; gây ra hiện tượng ô nhiễm đất, nước nếu không được thu gom và chôn cất đúng cách; thải ra khí độc dioxin và furan gây ngộ độc khi đốt…

Tác hại là vậy nhưng việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hiện vẫn đang phổ biến và trở thành thói quen cố hữu khó bỏ của người dân, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống. Đặc biệt, hai năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen xấu này ở nhiều nơi không những không được cải thiện mà còn có phần tăng hơn.

Quán cơm bình dân của anh Nguyễn Văn Lịch ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên hai năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid nên thay vì ăn uống tại quán thì chủ yếu khách mua về nhà. Một suất cơm đem về trung bình sử dụng 1 hộp xốp, 1 hộp nhựa và ít nhất 2 túi nilon.

Bởi vậy, dù lượng khách có giảm hơn thời kỳ trước khi có dịch nhưng số lượng túi nilon và đồ dùng một lần quán anh Lịch sử dụng lại tăng hơn nhiều. Đã hơn 6 năm mở quán cơm, nhưng theo anh Lịch thì kể cả trước khi có dịch cũng như thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng mang hộp cơm hoặc dụng cụ đựng cơm cá nhân đến mua rất ít.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng túi nilon đối với nhiều người gắn liền với nền nếp sinh hoạt của gia đình và tính chất công việc nên đó cũng là lý do phổ biến để “biện hộ” cho việc khó từ bỏ và thay đổi thói quen này.

Như chị Nguyễn Mai Hạnh, cán bộ ngân hàng ở phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Trong gia đình, tôi là người thường xuyên đi mua sắm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nhất là đồ ăn. Do công việc bận rộn nên tôi thường tranh thủ đi chợ vào lúc tan làm. Vì vậy, việc mang theo làn để thay thế túi nilon với tôi rất bất tiện, mang theo túi vải dùng nhiều lần thì tôi rất hay quên nên dù biết túi nilon có tác hại đến môi trường nhưng với tôi vẫn không dễ gì thay đổi được”.

Các mô hình chưa tạo sức lan tỏa rộng rãi

Những năm qua, để chung tay giảm thiểu tác hại từ túi nilon tới môi trường, nhiều mô hình của các cấp hội, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Các mô hình như: “CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “CLB phụ nữ bảo vệ môi trường”, “Đội thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, “Thùng rác văn minh”… cũng đã từng bước thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon trong đời sống người dân nhưng chưa đủ sức lan tỏa rộng rãi. Thực tế ở một số nơi phong trào, mô hình chỉ rầm rộ được thời gian đầu mới phát động còn sau đó khó có thể phát huy tốt do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại siêu thị Coopmart Vĩnh Phúc, mặc dù 100% túi nilon đều được sử dụng bằng chất liệu tự phân hủy nhưng nhân viên siêu thị vẫn luôn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại túi có chất liệu thân thiện với môi trường hơn như túi giấy, thùng giấy, túi vải dùng nhiều lần…

Ngay ở quầy thu ngân của siêu thị lúc nào cũng có sẵn túi môi trường dùng nhiều lần cho khách hàng lựa chọn nhưng nhiều khách hàng còn e ngại sử dụng vì phải bỏ tiền mua.

Để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, siêu thị là đơn vị tiên phong áp dụng nhiều chương trình hấp dẫn để từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Mới đây, siêu thị có triển khai chương trình tặng điểm thưởng vào tài khoản thẻ cho khách hàng mua sắm tại Coopmart không sử dụng túi nilon hoặc sử dụng túi môi trường.

Cùng với siêu thị Coopmart thì nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh cũng có các chương trình khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon. Tuy nhiên, hiệu quả các chương trình có được như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc phần lớn vào người tiêu dùng.

Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của túi nilon để góp phần thay đổi một hành động nhỏ, một thói quen dù rất nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng, ý nghĩa lớn lao với cả cộng đồng.

Bài, ảnh: Bình Duyên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75600/su-dung-tui-nilon-thoi-quen-kho-bo.html